Chỉ số lạm phát tiêu dùng cơ bản đã tăng trở lại ở Tokyo vào tháng 2, mặc dù ở tốc độ chậm hơn so với con số 4,3% được ghi nhận vào tháng 1 - mức cao nhất trong 42 năm.
Bên cạnh đó, trong khi mức tăng giá 3,3% tại thị trường trọng điểm Tokyo đã giảm một điểm phần trăm, người tiêu dùng trên khắp Nhật Bản vẫn đang nói về tác động của việc tăng giá trong khi tiền lương của họ không theo kịp.
Chỉ số giá tiêu dùng của thủ đô Nhật Bản, không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm nhiên liệu, đã vượt qua mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Nhật Bản trong tháng thứ 9 liên tiếp vào tháng trước.
Theo giới phân tích, sự sụt giảm tương đối so với số liệu của tháng 1 chủ yếu là kết quả của sự can thiệp của chính phủ nhằm cung cấp các khoản trợ cấp cho những người đang gặp khó khăn.
Điều lo ngại nhất
Theo CNN, Nhật Bản đang vật lộn với việc mức sống giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ qua, khi lạm phát tiếp tục tăng cao.
Giữa lúc đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi các chủ doanh nghiệp tăng lương cho công nhân, đồng thời cảnh báo rằng nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng “đình lạm” nếu việc tăng lương không theo kịp tốc độ lạm phát.
Đình lạm mô tả một thời kỳ lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế trì trệ, làm suy yếu sức mua của người dân.
Trong khi đài truyền hình quốc gia NHK đưa tin hóa đơn tiền điện giảm trung bình 1,7%, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 7/2021, hóa đơn tiền gas vẫn cao hơn 20% so với năm ngoái.
Giới chức Nhật Bản cũng thừa nhận điều đáng lo ngại nhất là giá thực phẩm có thể để lâu được đã tăng 7,8%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1976.
“Hóa đơn gas gần đây nhất của tôi là khoảng 10.000 yen (khoảng 73 USD), nhưng đó là số tiền khá lớn. Tôi sống trong một căn hộ nhỏ một mình, và chi phí gas một tháng của tôi vào năm 2019 sẽ vào khoảng 2.000 yen”, Shizuko Utsumi, một người đã nghỉ hưu sống ở Sapporo, cho biết.
Bên cạnh đó, bà cho biết nhiệt độ mùa đông năm nay cũng không quá khắc nghiệt nên bà đã cố gắng sử dụng máy sưởi ít hơn.
“Tôi cũng tự nấu ăn ở nhà và ít ra ngoài ăn hơn. Tôi không thể tưởng tượng nổi những gia đình phải sưởi ấm cả nhà hay những người thường xuyên ăn tối bên ngoài sẽ khó khăn như thế nào”, bà chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà cho biết bản thân cũng lấy làm tiếc cho những người chủ quán bar và nhà hàng. Theo bà, họ đã phải đối mặt với chi phí cao hơn, nhưng lại không có nhiều khách hàng như trước đây.
Yoko Tsukamoto, một học giả cũng sống ở Sapporo, cho biết hóa đơn năng lượng của cô cũng tăng vọt.
“Hiện tại, chúng lên tới 30.000 yen/tháng (tương đương 220 USD/tháng). Điều đó thật điên rồ. Tuy nhiên, không chỉ năng lượng, giá của mọi thứ đều tăng”, cô cho biết.
"Tôi mua một thức uống protein khi tôi tập thể dục, nhưng nó đã tăng từ 6.000 yen lên 10.000 yen một cách nhanh chóng. Mọi thứ hiện tại đều như vậy", cô nói thêm.
Đặc biệt, trong khi giá cả tăng vọt, cô chỉ ra rằng tiền lương gần như vẫn giữ nguyên so với mức ở thời điểm bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ vào đầu những năm 1990.
Theo cô, các công ty Nhật Bản muốn giữ lại lợi nhuận của họ thay vì chia sẻ chúng với nhân viên. “Giá đang tăng ở Mỹ và các nước khác, nhưng ít nhất các công ty ở đó đã phản ứng bằng cách tăng lương”, cô Tsukamoto nhận định.
Tín hiệu tích cực
Văn phòng Nội các cho biết giá cả tăng cao đang gây tổn hại cho người tiêu dùng Nhật Bản, đặc biệt là những người trẻ tuổi, theo Japan Times.
Ngoài ra, một báo cáo ngày 1/3 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy 58,2% công ty vừa và nhỏ có kế hoạch tăng lương vào năm 2023, mặc dù phần lớn trong số họ sẽ chỉ tăng ở mức 2%, thấp hơn lạm phát. Chỉ hơn 1/4 số công ty được hỏi cho biết họ sẽ tăng lương cơ bản lên 4%.
Một nghiên cứu hàng tháng về tâm lý doanh nghiệp của Reuters cũng đã chỉ ra sự ảm đạm kéo dài giữa các nhà sản xuất lớn và lĩnh vực dịch vụ trong tháng 2. Họ có mối lo ngại sâu sắc về tiêu dùng tư nhân - vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản.
Các công ty bày tỏ lo ngại về giá năng lượng và hàng hóa, cũng như việc đồng yen suy yếu đã đẩy chi phí nhập khẩu lên cao. Nhiều doanh nghiệp cũng lưỡng lự trong việc đẩy chi phí đó cho khách hàng do lo ngại họ sẽ lựa chọn các giải pháp thay thế rẻ hơn.
Đồng thời, dữ liệu mới được công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm, ở mức 2,4% vào tháng 1. Điều đó đã phản ánh việc tìm kiếm nhân sự khó khăn như thế nào.
Ông Martin Schulz, nhà kinh tế trưởng của đơn vị nghiên cứu thị trường toàn cầu thuộc Fujitsu, nhận định chính phủ đang kêu gọi các công ty tăng lương vì họ tin rằng việc lương tháng và tiết kiệm tăng có thể khuyến khích mọi người ra ngoài và sử dụng số tiền dư thừa đó.
Bên cạnh đó, ông cũng lạc quan rằng đà tăng lạm phát ở Nhật Bản có thể đang chậm lại.
Ông nhận thấy giá năng lượng đã dần ổn định, mặc dù có thể mất thời gian để người tiêu dùng cuối có thể cảm nhận được điều đó. Không những vậy, ông cũng nhận thấy những tín hiệu tích cực từ phía nguồn cung.
Khi thị trường khí đốt và dầu mỏ trở nên ổn định hơn, sự tăng trưởng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
“Năm ngoái, giá năng lượng đã tăng cao hơn do tâm lý mua hàng tích trữ và nhu cầu dự trữ. Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta đã bỏ lại điều đó phía sau và giá năng lượng ổn định sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế rộng lớn hơn”, ông nói.