Thị trường chứng khoán đang giao dịch khá tích cực trong bối cảnh xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn thế giới bước vào giai đoạn cuối. Vậy xu hướng tăng của thị trường chứng khoán có còn tiếp diễn, nhóm ngành nào thích hợp là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này. Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP chứng khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về cơ hội đầu tư trên thị trường hiện nay.
BTV Mùi Khánh Ly: Mới đây, FED đã chính thức tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, vậy có khả năng FED sẽ quay đầu giảm lãi suất?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP chứng khoán BIDV (BSC)
Trong suốt thời gian hơn 40 năm vừa qua, chu kỳ tăng lãi suất vừa rồi của FED là một chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất trong lịch sử, cả 10 lần họp thì cả 10 lần đều ra quyết định tăng lãi suất. Và phải đến thời điểm tháng 6 vừa rồi, FED mới có lần tạm dừng tăng lãi suất đầu tiên. Điều này đã thấy chúng ta đã nhìn thấy dấu hiệu đỉnh của lãi suất đối với chính sách của FED đã đến rất gần. Theo biểu đồ dot-plot công bố sau buổi họp thì đa số các thành viên cho rằng có thể sẽ có một cho đến hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và như vậy, mặt bằng từ 5,25% cho đến khoảng 5,75% có thể là vùng lãi suất tiệm cận đỉnh.
Theo dõi chỉ số lạm phát chung toàn cầu, từ cuối năm ngoái, chỉ số này đã bắt đầu suy giảm khá tốt. Và dự kiến cuối năm nay thì mức lạm phát chung của toàn cầu sẽ vào khoảng 5,3%, một mức gần như xấp xỉ với lãi suất điều hành của FED hiện tại, và sang đến năm 2024 hy vọng sẽ về mức khoảng 4%. Điều này cho thấy là dư địa cho chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương để tăng tiếp sẽ không còn nhiều như trước, chính sách lãi suất của họ đã bắt đầu tạo đỉnh và chờ những dấu hiệu tiếp theo để có nhịp điều chỉnh đi xuống.
Nhiều ý kiến cho rằng các nền kinh tế trên thế giới, thay vì lo lắng về lạm phát và lãi suất tăng, thì cần tính đến khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, ý kiến của ông ra sao?
Từ khóa suy thoái là từ đã được nhắc đến từ cuối năm ngoái. Chúng ta hình dung suy thoái là một thuật ngữ chỉ một khoảng thời gian một nền kinh tế tăng trưởng chậm hoặc tăng trưởng suy giảm. Và suy thoái cũng không phải là quá đáng sợ vì nó cũng là một phần của một chu kì. Theo định nghĩa, khi tăng trưởng âm liên tiếp 2 quý hoặc là tăng trưởng chậm lại so với cả mức trung bình trong vòng 2 quý liên tiếp thì phần nào đó nền kinh tế đã đi vào suy thoái nhẹ. Ở Châu Âu, những quốc gia như Anh, Đức thì đã ở pha suy thoái. Các nền kinh tế lớn như Mỹ họ vẫn đang ở giai đoạn mà người ta gọi là late cycle về chu kỳ tăng trưởng kinh tế, điểm cuối cùng trước khi chuyển sang giai đoạn có sự suy thoái hay không.
Còn kinh tế Trung Quốc họ đã vượt qua suy thoái, đang bước vào một chu kỳ phục hồi mới. Như vậy, có thể thấy rằng các quốc gia sẽ không đi theo một chu trình giống như nhau, nhưng về cơ bản thì suy thoái đã diễn ra ở một số quốc gia và trong số các quốc gia đấy có những quốc gia là bạn hàng lớn của Việt Nam. Nền kinh tế của chúng ta trong thời gian sắp cũng sẽ có những khó khăn nhất định, tuy nhiên, một số quốc gia đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi, nên nếu có một đợt suy thoái thì cũng sẽ diễn ra một cách nhẹ nhàng hơn.
Tại Việt Nam, NHNN đã có sự phản ứng đi trước hạ lãi suất hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Và sau những diễn biến mới từ các nền kinh tế đầu tàu, NHNN Việt Nam còn dư địa để giảm tiếp?
Ngay khi ngân hàng nhà nước Việt Nam tiến hành hạ lãi suất, có thể nói là Ngân hàng Nhà nước đầu tiên trong số các ngân hàng trung ương vào thời điểm đó có chính sách đi trước khá tốt. Và ngay sau đó chúng ta thấy các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm tạo đỉnh lãi suất. Hiện, chỉ số lạm phát ở Mỹ đã giảm rất tốt nhưng vẫn ở mức khoảng 4% so với năm ngoái, nếu so với kỳ vọng thì vẫn còn khoảng cách 2% nữa.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, mức lạm phát mục tiêu trong năm nay là khoảng 4,5%, và đến giữa năm lạm phát của chúng ta ở mức khoảng 3,5% cho thấy chúng ta đang kiểm soát được tương đối tốt hơn so với một số quốc gia khác. Do vậy diễn biến liên quan đến chính sách tiền tệ của chúng ta có chuyển biến nhanh hơn quốc gia khác. Còn nói về dư địa, cá nhân tôi thấy rằng, trước khi có đợt tăng lãi suất do sức ép tăng lãi suất trên toàn cầu thì chính sách lãi suất của Việt Nam với lãi suất điều hành khoảng 4%, hiện tại chúng ta đang giảm về mức tầm 4,5%, như vậy chúng ta vẫn còn dư địa cho những đợt giảm tiếp theo, nhưng sẽ cần nhiều thời gian hơn để cho những người làm chính sách ước tính mức độ ảnh hưởng của các chính sách giảm lãi suất vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam như thế nào, để có sự điều tiết phù hợp cho những lần giảm lãi suất tiếp theo.
Thực tế thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đã có những phiên phục hồi tích cực sau những diễn biến tốt hơn từ nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ, vậy theo ông đà phục hồi này sẽ tiếp diễn trong bao lâu?
Khi theo dõi những diễn biến của thị trường chứng khoán quốc tế, các quốc gia Châu Âu mặc dù đã đi vào kì suy thoái, và thị trường chứng khoán của họ đã tăng trưởng trung bình khoảng 13%, đặc biệt là Đức tăng trưởng hơn 20%. Bên cạnh, thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng đã tăng đến 27%, hay Hoa Kỳ tăng với mức trung bình khoảng 20%, trong đó riêng chỉ số Nasdaq đã tăng tới 30%, đã xóa hết phần lớn mức giảm điểm của năm ngoái . Còn thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có tăng trưởng khá tốt từ đầu năm đến nay, khoảng 10%, nhưng nếu so với các thị trường khác thì chúng ta mới có sự tăng trưởng bình thường. Nên tôi nghĩ từ nay đến cuối năm và thậm chí năm sau vẫn còn về kỳ vọng nhất định cho việc tăng điểm của thị trường, dựa trên cơ sở các chính sách của chúng ta về mặt tiền tệ, tài khóa đều đang hỗ trợ cho tăng trưởng nhiều hơn và thứ hai là đối với cả các nhà đầu tư, họ cũng bắt đầu dần dần tự tin vào thị trường và tìm kiếm những cơ hội đầu tư tốt hơn.
Nếu đi vào sâu hơn, chúng ta đều thấy là trong thời gian qua nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng giao dịch không sôi động bằng nhóm vốn hóa vừa và hóa nhỏ, liệu thời gian tới nhóm vốn hóa lớn có bứt phá hơn?
Điều này rất chính xác, từ đầu năm đến nay nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ tăng trưởng khoảng 10% về giá, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại tăng trưởng xấp xỉ 20%, gấp đôi so với nhóm còn lại. Điều này có thể lý giải như sau, trước đây thị trường chứng khoán đã giảm mạnh với hơn 33%, những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã giảm nhiều nhất, thì khi thị trường phục hồi trở lại, nhóm này sẽ bật tăng mạnh hơn nhóm khác. Thứ hai, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài sau giai đoạn mua ròng thì trong một, hai tháng gần đây họ có xu hướng bán ròng là chính, điều này một phần đến từ việc chênh lệch lãi suất, khi lãi suất ở thị trường phát triển, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ tăng rất nhanh, trong khi lãi suất điều hành ở Việt Nam lại giảm xuống. Do vậy, dẫn đến việc các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ngắn hạn ở thị trường Việt Nam và chuyển lại tiền về các thị trường khác. Và những nhà đầu tư nước ngoài, họ thường nắm giữ những cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường, đặc biệt là top những cổ phiếu hàng đầu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ cấu nhóm ngành với nhóm ngành lớn nhất là ngân hàng chiếm khoảng 37% vốn hóa, sau đó là nhóm bất động sản với 17%, rồi đến ngành vật liệu khoảng 10%, nhóm ngành tiêu dùng xấp xỉ 10%. Tổng cộng những nhóm ngành này chiếm khoảng gần ¾ vốn hóa của thị trường. Trong số các ngành đó, quy mô của ngành ngân hàng so với VN-Index là chiếm tỷ trọng lớn nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường. Trong suốt giai đoạn vừa qua, chúng ta đã thấy những rủi ro gia tăng ở nhóm này do lãi suất tăng rất mạnh vào cuối năm, rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp, và những lo ngại đó đã phản ánh vào giá của nhóm này trên thị trường. Nhưng chuyển sang giai đoạn hiện nay, khi kết quả kinh doanh dần được đưa ra, nhiều ngân hàng vẫn khá tốt về hoạt động kinh doanh, những rủi ro liên quan đến nợ xấu hay liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn nằm trong vùng kiểm soát. Và điều quan trọng nhất là hiện nay nhiều ngân hàng đang có mức định giá hợp lý cho việc đầu tư dài hạn. Nhìn chung đang có cơ hội đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là từ nửa sau của năm.