Đầu tư để tiền sinh ra tiền là một trong những cách cải thiện tình hình tài chính và dần xây dựng sự giàu có. Tuy nhiên, thực tế là đầu tư luôn luôn đi kèm với rủi ro dù ít hay nhiều.
Khi bỏ tiền vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn có khả năng thua lỗ hay mất tất cả.
Do đó, việc tìm hiểu mức độ thoải mái của mình với rủi ro (hay mức độ chấp nhận rủi ro - risk tolerance) là lời khuyên phổ biến dành cho người mới.
Bài viết sau giải nghĩa khái niệm này và liệt kê một số yếu tố bạn có thể cân nhắc.
Risk tolerance là gì?
Risk tolerance là mức độ chấp nhận rủi ro và thước đo để nhà đầu tư đánh giá giới hạn chịu lỗ của mình, theo CNBC.
Đây là nhân tố quan trọng trong đầu tư. Bởi việc nhận thức được mức chịu rủi ro sẽ cho bạn cái nhìn thực tế, từ đó hạn chế các quyết định sai lầm trước biến động lớn của thị trường.
Risk tolerance của mỗi người phụ thuộc vào nhiều đặc điểm, bao gồm độ tuổi, tài sản, thu nhập hàng tháng, sự ổn định của thu nhập, thói quen chi tiêu,...
Và vì không ai giống ai, cùng một danh mục đầu tư nhưng có người sẽ cảm thấy việc lỗ là dễ chấp nhận, có người không.
Nếu không xác định được mức độ của mình, bạn dễ mạo hiểm và có những nước đi cảm tính.
Các mức độ khác nhau
Investopedia phân loại risk tolerance theo 3 nhóm: cao, trung bình, thấp.
Mức độ chịu rủi ro cao thường ứng với những nhà đầu tư tích cực và có xu hướng am hiểu thị trường.
Nhóm này có thể theo đuổi các danh mục tương đối mạo hiểm như cổ phiếu của startup. Nhờ kinh nghiệm và hiểu biết sâu về chứng khoán, họ thường đầu tư với tâm lý "high risk, high return" (rủi ro càng lớn thì lợi nhuận càng cao).
Mức độ chịu rủi ro trung bình nhiều khả năng nằm ở các nhà đầu tư tiết chế - người sẵn sàng chấp nhận một vài rủi ro với kế hoạch đầu tư trung hạn, khoảng 5-10 năm.
Để cân đối lợi nhuận, họ có thể áp dụng cấu trúc 50/50, nghĩa là đầu tư một nửa vào các quỹ tương hỗ của công ty lớn với trái phiếu ít biến động, một nửa vào quỹ tăng trưởng và trả cổ tức.
Mức độ chịu rủi ro thấp thường phù hợp với người lập danh mục đầu tư ít hoặc hầu như không có biến động. Đa phần là những cá nhân về hưu, hay người ưu tiên bảo toàn vốn để tâm trí bình yên.
Vì lẽ đó, nhiều người sẽ tìm cách bảo vệ giá trị của danh mục thông qua mua chứng khoán nợ ngắn hạn, cổ phiếu bluechip, cổ phiếu công ty có vốn hóa lớn hay chứng chỉ tiền gửi - loại có tính ổn định dù tỷ suất sinh lời không quá hấp dẫn.
Làm thế nào để xác định mức chấp nhận rủi ro của mình?
Ngoài những yếu tố về độ tuổi, thu nhập đã đề cập, bạn có thể chủ động tính toán risk tolerance như sau:
- Đặt mục tiêu tài chính rõ ràng. Bạn dự định đầu tư trong bao nhiêu năm? Vì sao bạn muốn tích lũy? Hoặc, bạn có mong muốn rút một phần/toàn bộ tiền ở thời điểm nào cụ thể không?
CNBC cho rằng thời gian trong thị trường càng lâu, khả năng chịu rủi ro của bạn càng cao vì khoản đầu tư có thời gian phục hồi sau những lần thị trường sụt giảm.
- Tâm lý của bạn. Bạn thuộc tuýp người cần sự đảm bảo hay sẽ thử vận may?
Ví dụ, giữa việc nhận ngay 50 triệu đồng và việc có cơ hội giành 100 triệu đồng, bạn chọn điều gì? Nếu câu trả lời là 50 triệu đồng, bạn có thể là người có mức độ chịu rủi ro thấp hơn so với người chọn vế sau.
Còn theo ông Trương Đắc Nguyên, chuyên viên phân tích tài chính, việc xác định liên quan nhiều đến tính cách và trải nghiệm trong quá khứ của mỗi cá nhân.
"Dòng vốn dư dả có thể cho phép bạn chấp nhận rủi ro cao hơn. Khi mới bước chân vào thị trường, người có vốn đều và ít nên thử bắt đầu với kênh rủi ro thấp để định hình phương pháp đầu tư phù hợp với mình", ông nói.
Bên cạnh đó, việc tham khảo và học theo cách làm của người đi trước - những nhà đầu tư như Warren Buffett, William O'Neil, Peter Lynch, Mark Minervini - cũng là một gợi ý.