Trong cuộc họp báo chiều 6/3, đại diện Cục An toàn Thông tin cho biết bản thân cũng nhận được rất nhiều thắc mắc của người thân, bạn bè khi toàn bộ dịch vụ của Facebook gặp sự cố đêm 5/3.
“Vài tiếng liền, rất nhiều người hỏi tôi liệu tài khoản Facebook của mình có bị hack, rồi sau đó là hỏi cách để đặt lại mật khẩu. Nhờ đó, tôi mới biết phần lớn người hỏi không cài đặt biện pháp xác thực 2 bước”, ông Trần Quang Hưng, Cục phó Cục An toàn Thông tin chia sẻ.
Ông Hưng cho rằng xác thực 2 bước (2FA) là biện pháp cơ bản nhất để bảo vệ tài khoản mạng xã hội trước các hình thức tấn công lấy cắp tài khoản.
Đại diện Cục An toàn Thông tin nhận xét nếu toàn bộ người dùng bật 2FA, số các vụ lừa đảo trên không gian mạng sẽ giảm đi rất nhiều.
Khi Facebook xảy ra sự cố, một lượng lớn người dùng đổ lên các nền tảng đang hoạt động tốt như Zalo để tìm câu trả lời. Ông Hưng cho rằng sau sự cố của Facebook, người dùng được nhắc nhở rằng một nền tảng của Việt Nam vẫn có thể duy trì dịch vụ, sử dụng tốt.
Sự cố của Facebook khiến hàng triệu người dùng đặt ra câu hỏi liệu mình có bị tấn công tài khoản Facebook. Sau sự cố, rất nhiều người phải tìm cách đổi mật khẩu, bật chế độ 2FA.
“Có thể nói đây là tín hiệu tốt, giá trị tích cực, bởi nó khiến mọi người nhận ra sự quan trọng của bảo vệ tài khoản”, đại diện Cục An toàn Thông tin nhận định.
Việc mất tài khoản mạng xã hội là bước quan trọng để dẫn đến một ba hình thức lừa đảo phổ biến, theo nhận định của Cục. Đó là cài phần mềm độc hại lên thiết bị, dụ click vào đường link nhằm lừa người dùng cung cấp mã OTP, và dụ chuyển khoản vào các tài khoản giả mạo.
Tất cả những hình thức lừa đảo này đều nhắm đến thu lợi về tài chính. Ông Hưng cho rằng bên cạnh việc xử lý căn cơ là hạn chế SIM rác, tài khoản ngân hàng giả mạo, người dùng cần có ý thức về an ninh mạng để tự bảo vệ mình. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền, ý thức này cũng được người dùng tự xây dựng qua các sự cố như Facebook sập.
“Chống lừa đảo trực tuyến là cuộc chiến trường kỳ và lâu dài”, đại diện Cục An toàn Thông tin nhận định.