Nguyên nhân ban đầu của định kiến này là các nhà sản xuất Android chỉ cập nhật phần mềm 2-3 năm cho thiết bị của họ, ngay cả máy flagship. Chỉ sau vài năm sử dụng, chiếc máy gần như bị nhà sản xuất bỏ rơi về mặt phần mềm.
Trong khi đó, Apple thường hỗ trợ thiết bị của họ lâu dài hơn. Ví dụ, chiếc iPhone X được Táo khuyết giới thiệu hồi 2017, vẫn được Apple tiếp tục cập nhật các bản iOS mới đến tận 2022.
Tuy nhiên hiện tại, Google và các nhà sản xuất Android cũng cam kết nâng cấp hệ điều hành cho các máy cao cấp của họ lâu hơn. Ví dụ, Samsung, Xiaomi, Oppo, OnePlus sẽ hỗ trợ phần mềm trên thiết bị của công ty trong ít nhất 3-5 năm. Do vậy, khoảng cách giữa smartphone Android và iOS về vấn đề này không còn lớn.
Ngoài ra, trong thời kỳ ban đầu của ngành smartphone, đa phần điện thoại Android thường được chế tạo từ vật liệu rẻ tiền như nhựa, sơn mạ bóng. Những chi tiết này nhanh chóng xuống cấp sau một thời gian sử dụng. Trong khi đó, iPhone được định vị là sản phẩm cao cấp từ đầu, dùng vật liệu đắt tiền như kính, kim loại. Do vậy, ngoại hình sản phẩm có thể được duy trì trong thời gian lâu hơn.
Hiện tại, điện thoại Android đắt tiền cũng được chế tạo từ các loại vật liệu cao cấp hơn. Thiết bị flagship của Xiaomi, Oppo không thua kém iPhone về khả năng chế tạo. Độ bền của những sản phẩm này cũng được gia tăng. Nhiều thiết bị trong số này đều có thể vượt qua các thử thách về độ bền của chuyên gia, sử dụng tốt trong điều kiện khắc nghiệt.
Trong các thành phần của smartphone, pin là linh kiện nhanh bị xuống cấp nhất. Theo Converge, các phản ứng bên trong điện cực giúp lưu trữ và sản sinh ra năng lượng, phục vụ thiết bị hoạt động.
Do sự thoái hóa của vật liệu trong quá trình nạp, xả và tác động nhiệt độ cao, pin dễ dàng bị xuống cấp theo thời gian. Khi linh kiện này suy giảm độ bền, lượng điện cung cấp có thể không đủ, dẫn đến giật lag và thời gian sử dụng bị rút ngắn.
Tuy nhiên, việc “chai pin” là vấn đề chung của toàn ngành smartphone chứ không chỉ điện thoại Android. Linh kiện này trên iPhone cũng dễ dàng xuống cấp nếu hoạt động liên tục. Khi dung lượng pin hạ xuống dưới 80% dung lượng, điện thoại Apple sẽ bị giảm hiệu năng.
Khả năng sửa chữa các dòng máy hiện cũng tương đồng. Trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Điều hành hệ thống sửa chữa 24h, cho biết điện thoại Apple có cách bố trí khoa học, thẩm mỹ cao hơn, nhưng yêu cầu tay nghề cao khi tiếp cận. Các máy Android có nội thất đơn giản, sắp xếp linh kiện thuận tiện hơn khi sửa chữa.
Mặt khác, có một số điểm smartphone Android chưa thể bắt kịp Apple. Đây là hệ điều hành mở được xây dựng dựa trên nhân JAVA, vốn yêu cầu nhiều phần cứng hơn để chạy tốt. Cách thức đa nhiệm của điện thoại Samsung, Xiaomi cũng khác biệt với Táo khuyết. Do vậy, máy Android thường cần dung lượng RAM cao hơn đáng kể.
Ngoài ra, sự “mở” trong cách xây dựng hệ điều hành còn khiến máy Android dễ dính phần mềm rác, thường xuyên chạy ngầm làm giảm hiệu suất điện thoại. Điều này gây ra tình trạng giật lag, treo máy sau thời gian dài sử dụng. Trong trường hợp này, người dùng cần khôi phục cài đặt gốc để cải thiện hiệu suất.