Ngày 1/9, một người quay lại cảnh nhóm đàn ông và phụ nữ lớn tuổi ở tỉnh Quảng Đông mang hàng trăm chai nước khoáng lên cầu và đổ xuống sông, giữa lúc Trung Quốc đang trải qua đợt khô hạn kéo dài chưa từng có và cuộc tranh luận ở về nghi lễ phóng sinh dân gian đang diễn ra nảy lửa, theo SCMP.
Nhóm này đã dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để đổ hết các chai nước, từ khoảng 10h đến trưa cùng ngày.
Hoạt động của họ nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người qua đường. Mọi người cố gắng thuyết phục họ không nên lãng phí khi đất nước đang phải trải qua một trong những đợt khô hạn khắc nghiệt nhất trong những năm gần đây.
Người đàn ông đăng tải clip lên mạng cho biết nhóm này mang theo rất nhiều chai nước nên phải dùng tới cả xe đẩy để chuyển lên cầu. Nhãn dán trên chai cho thấy đó là những chai nước mới được đóng gần đây.
“Tôi đã đề nghị họ để nước lại tại các trạm phúc lợi công cộng cho những người có nhu cầu có thể lấy nước”, người đàn ông giấu tên chia sẻ.
"Tôi hỏi họ lý do họ đổ nước xuống sông. Họ không những không trả lời mà còn nói rằng tôi đang làm phiền họ và làm ảnh hưởng đến sự thành tâm của họ trong việc cầu nguyện sức khỏe”, anh nói thêm.
Video sau đó nhanh chóng trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhất trên Weibo và thu hút 82 triệu lượt xem.
“Họ đang tiêu tiền của mình và đó không phải việc của tôi, nhưng họ đang lãng phí nước", một cư dân mạng bình luận.
“Họ đang giải phóng nước khỏi não của họ thì đúng hơn”, một người dùng khác mỉa mai, mượn một cụm tiếng lóng mang nghĩa xúc phạm tại Trung Quốc - "não úng nước”, thường được sử dụng để mô tả những người bị coi là mất trí.
“Sẽ thật tuyệt nếu những kẻ đó thả tiền thay vì nước”, một người khác nói đùa.
Vào năm 2018, một nhóm cư dân ở Thiên Tân cũng đổ nước khoáng xuống một con sông lớn trong một nghi lễ tương tự.
Nghi lễ này được gọi là "fang sheng", có nghĩa là "thổi sự sống vào thiên nhiên", và đã được thực hiện ở Trung Quốc từ thời cổ đại bởi hầu hết là các tín đồ Phật giáo. Nghi lễ nêu bật giáo lý về lòng từ bi của Phật giáo, với việc tin rằng phóng sinh động vật thể hiện lòng nhân từ của con người và sẽ mang lại may mắn.
Thông thường, người ta thường thả cá, chim, tôm và rùa, nhưng một số người chọn thả rắn, thỏ, chuột và thậm chí cả bọ cạp và cá sấu.
Nghi lễ này làm dấy lên tranh cãi từ các nhà bảo vệ môi trường với lo ngại rằng một số động vật được phóng sinh không phù hợp với môi trường tại một số khu vực nhất định và sẽ gây hại cho hệ sinh thái địa phương.