Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên cơ sở đó, từ nay tới cuối năm, kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong các giải pháp để lĩnh vực này trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Tập trung khuyến mại cho mặt hàng thiết yếu
Tại Bình Dương, ông Võ Văn Lớt, Giám đốc Siêu thị AEON Mall Bình Dương, cho biết dưới sức ép của thị trường, các đơn vị bán lẻ đã nỗ lực không ngừng trong khâu quản lý, chăm sóc khách hàng, quản trị chuỗi cung ứng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tốt.
Các doanh nghiệp chủ động làm việc với các nhà cung ứng để giảm một phần áp lực chi phí của khách hàng, hạ biên lợi nhuận. Đồng thời sắp xếp, đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút khách hàng. Đại diện các siêu thị trên địa bàn đều cho biết thực tế phân khúc hàng hóa bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống đều hoạt động tốt. Càng về cuối năm, sức nóng của tiêu dùng nội địa sẽ càng tăng.
Tại TP.HCM, để “thúc” tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng đang triển khai nhiều chính sách để kích cầu tiêu dùng. Chẳng hạn hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam khuyến mãi lớn cho hơn 2.000 mặt hàng, như: Mua 2 tính tiền 1, Giờ vàng giá sốc, Khuyến mãi đồng giá 40.000 đồng, giảm giá lên đến 90%... Còn hệ thống bán lẻ thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cũng khuyến mãi, giảm giá từ 10% đến mức cao nhất là mua 1 sản phẩm sẽ được tặng 1 sản phẩm cùng loại.
Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Điều hành Khối Cửa hàng GO/Big C Khu vực Hà Nội và miền Bắc, cho biết: "Để hỗ trợ thêm cho người tiêu dùng, chúng tôi tập trung khuyến mại cho mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng có nhu cầu nhiều nhất, như vậy có nghĩa là các mặt hàng ưu tiên khuyến mại của chúng tôi là mặt hàng có nhiều người mua nhất. Bên cạnh đó, chương trình xuyên suốt là cam kết 1.000 sản phẩm luôn luôn rẻ hơn, thậm chí là rẻ nhất trong khu vực".
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã giúp hàng Việt ngày càng có sự lan tỏa, được người tiêu dùng cả nước biết đến và hưởng ứng tích cực. Cùng đó, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước có mặt trong hệ thống phân phối tăng cao cũng giúp kích cầu tiêu dùng, đưa các sản phẩm đến gần hơn với người dân.
Với phương châm hàng sản xuất trong nước luôn là ưu tiên hàng đầu, cán bộ thu mua của hệ thống bán lẻ Central Retail Việt Nam đã chủ động tìm đến các nhà cung cấp tại các địa phương để đưa các sản vật, đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng cả nước. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho hay, hiện tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống bán lẻ của Central Retail (siêu thị GO!, Big C và siêu thị Tops Market) là trên 90%.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông), để hàng Việt có sức lan tỏa và lớn mạnh và kích cầu tiêu dùng, ngoài kênh bán lẻ trực tiếp, việc áp dụng số hóa sẽ cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại, tiện lợi hơn…, tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt.
Còn 4 tháng để đạt mục tiêu đề ra
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn và các hộ kinh doanh. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành bán lẻ cũng đã đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ tích cực đến từ các chính sách vĩ mô. Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Thời hạn áp dụng từ 1/7 đến hết năm 2023.
Từ giờ tới cuối năm, các doanh nghiệp sẽ chỉ còn chưa đầy 4 tháng để hoàn thành kế hoạch và các mục tiêu đề ra như mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động tiêu dùng để gia tăng sản xuất thương mại. Vì thế, các siêu thị, trung tâm thương mại cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, bảo đảm ổn định đầu vào, đầu ra…
Để có thể phục hồi cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, các địa phương đều sẵn sàng 1 kế hoạch bài bản khuyến mại. Tại thành phố Hà Nội, chương trình khuyến mại năm nay kéo dài hơn và tập trung vào từng loại hàng hoá theo chủ đề từng tháng. Bà Trần Thị Lan Phương, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội, cho biết: "Sở Công Thương Hà Nội nhận được 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, gấp đôi năm trước và còn tiếp tục bổ sung thêm".
Chẳng hạn trong tháng 11, sự kiện “Tháng khuyến mại” được triển khai trên địa bàn toàn thành phố với đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế. Cũng trong tháng 11, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight sale 2023” diễn ra vào dịp Black Friday, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Bộ Công Thương cũng cho biết, từ nay cho đến cuối năm, Bộ sẽ có chỉ đạo với uỷ ban nhân dân các thành phố và sở công thương để đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho tết nguyên đán 2024, tổ chức kích cầu gắn với công nghiệp văn hoá, du lịch để làm sao vừa thu hút du lịch, vừa tăng được sức mua. Các doanh nghiệp cũng cho biết với nhiều chính sách kịp thời của Chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng, tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7 được kỳ vọng sẽ tăng sức mua của người tiêu dùng, góp phần phục hồi tổng cầu 2023.