Kết thúc nửa đầu năm 2022, bức tranh kinh tế vĩ mô có nhiều điểm nhấn tích cực. Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%; GDP tăng 6,42%. Tuy nhiên, theo dự báo cho nửa cuối năm còn lại, cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro tiềm ẩn.
Những gam màu xám
Ông Thái Quang Trung, Phó giám đốc đầu tư Khối quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu VinaCapital, nhận định có ba rủi ro chính đối với doanh nghiệp trong thời gian tới, đó là tỷ giá, lạm phát và tăng lãi suất.
“Rủi ro về lạm phát và lãi suất sẽ đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp lên. Xa hơn, đến năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với rủi do Mỹ và EU đi vào suy thoái. Đây là hai thị trường tiêu thụ rất lớn của Việt Nam. Nếu hai thị trường lớn này đi vào suy thoái thì nó có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thậm chí, ảnh hưởng có thể lan rộng chứ không chỉ trong phạm vi các ngành xuất khẩu. Chẳng hạn như các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực thì phúc lợi dành cho công nhân, người lao động cũng sẽ giảm. Như vậy, vô hình chung sức mua của tầng lớp lao động phổ thông sẽ giảm. Chúng ta phải theo dõi những yếu tố rủi ro này”, ông Trung phân tích.
Chuỗi cung ứng vốn đang yếu ớt do tác động của đại dịch, đẩy giá nhiều loại hàng hóa chiến lược tăng cao, điển hình là giá dầu mỏ, năng lượng và tiếp đến có thể là giá lương thực. Xung đột địa chính trị làm trầm trọng hơn sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, gia tăng áp lực lạm phát, đồng thời tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu.
Trước những áp lực hiện có, Ngân hàng Nhà nước cần cân đối tăng trưởng tín dụng với kiểm soát lạm phát, khiến tăng trưởng tín dụng trong các quý còn lại khó có thể đạt tốc độ cao như vừa qua. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt khiến lãi suất tăng cao.
Lạm phát ở Mỹ và một số nước châu Âu hiện đang ở mức đỉnh 40 năm. Tại một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Lạm phát tăng mạnh buộc các chính phủ phải thắt chặt tiền tệ, trước khi nền kinh tế thực sự phục hồi sau đại dịch. Chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái.
"Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, với sự ổn định về kinh tế vĩ mô, cùng với đà mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, du lịch khởi sắc thì cầu tiêu dùng trong nước từ nay đến cuối năm có thể là một cú hích thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng, ăn uống, du lịch, giải trí.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2022 tăng 11,5%, trong khi tháng 4 và tháng 5 cũng tăng lần lượt 9,4% và 10,4%, kéo IPP cả quý 2 tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Riêng dịch vụ bán lẻ lại có xu hướng đi xuống, có thể do tác động chi phí xăng dầu khiến một số hàng hóa cơ bản kèm chi phí vận chuyển tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm hàng ngày của người dân.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách kỳ vọng vào việc đẩy nhanh các gói kích thích và phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm sẽ góp phần hỗ trợ cho hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nhất là các gói hỗ trợ thuế/phí đã triển khai và gói hỗ trợ 2% lãi suất sẽ được triển khai).
“Bên cạnh đó quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các gói đầu tư công vào cơ sở hạ tầng cũng có thể kích hoạt một số lĩnh vực kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt được các hiệp định thương mại tự do và những khung khổ hội nhập/liên kết kinh tế thế giới hiện có để tăng cường mở rộng các thị trường mới và thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị, thì nửa cuối năm vẫn kỳ vọng vào sự khởi sắc của khu vực kinh tế đối ngoại, đặc biệt là ở những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và giá trị gia tăng như nông nghiệp, thủy sản, đồ gỗ”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nhận định.
Theo chuyên gia của VinaCapital, “phao cứu sinh” của doanh nghiệp có thể đến từ việc Chính phủ rốt ráo gỡ các nút thắt của những ngành trọng điểm trong nền kinh tế. “Chẳng hạn đối với ngân hàng thì có nút thắt tăng trưởng tín dụng. Trong lĩnh vực bất động sản thì nút thắt là Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ngoài ra, trong lĩnh vực đầu tư công, cơ sở hạ tầng thì đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, ông Trung nêu ví dụ.
Ông Thái Quang Trung bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. “Trong quá khứ, Ngân hàng Nhà nước đã có những bài học thành công trong điều hành tiền tệ. Chẳng hạn như chúng ta đã áp dụng quy định tất cả các hợp đồng dân sự phải được tham chiếu bằng tiền đồng để tránh đôla hóa nền kinh tế; thay đổi cơ chế từ neo tỷ giá sang chính sách tỷ giá trung tâm; kiểm soát lãi suất bằng cách áp trần huy động….”, ông Trung dẫn chứng.
Ngoài ra, trong những thời điểm lạm phát tăng cao, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm xây dựng chuỗi cửa hàng bình ổn giá do Nhà nước quản lý.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố xấu – tốt đan xen, rủi ro và bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng cao, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng các doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế trong và ngoài nước để có những dự báo về thị trường (cả trong và ngoài nước) và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa các rủi ro kinh doanh tốt hơn.
Các doanh nghiệp, hiệp hội và ngành hàng cũng cần chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan nghiên cứu/tư vấn và chuyên gia kinh tế để có những đánh giá về các phản ứng chính sách (trong và ngoài nước) liên quan đến một loạt các vấn đề kinh tế vĩ mô hoặc theo ngành/lĩnh vực để từ đó có hiểu biết hơn các kênh hỗ trợ chính sách của Chính phủ, nhất là tình hình triển khai các gói phục hồi kinh tế thời gian tới (mặc dù bao giờ cũng có độ trễ) để từ đó tận dụng tốt hơn các hỗ trợ này nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp và rủi ro môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần củng cố lại văn hóa và nền tảng quản trị kinh doanh, thực hành liêm chính, quan tâm các chính sách nhằm hỗ trợ lao động và phát triển nhân lực từ đó chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phù hợp chuẩn mực/thông lệ quốc tế và các hiệp định thương mại – đầu tư thế hệ mới, gắn với các mô hình chuyển đổi số, qua đó tham gia sâu hơn và đạt giá trị gia tăng cao hơn của các doanh nghiệp/ngành/sản phẩm trong các chuỗi giá trị/sản xuất quốc tế và chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng trong nước.