Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may ước đạt 22 tỷ USD. Cho đến nay, các DN dệt may cũng đã ký kết các đơn hàng đến hết quý III/2022, thậm chí đến hết năm. Để hoàn thành giao hàng theo các đơn đã ký buộc các DN phải đẩy nhanh sản xuất. Tuy nhiên, điều khiến các DN đang thực sự lo lắng là nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào.
Trên thực tế, nguyên phụ liệu luôn là nỗi lo của các DN ngành dệt may khi phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc. Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù thị trường vẫn còn chịu nhiều tác động tiêu cực nhưng Vinatex đã cán đích thành công với nhiều kết quả ấn tượng. Trong 5 tháng đầu năm 2022, kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn tương đối khả quan với doanh thu bằng 42,9% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế đạt 57,6% kế hoạch. Trong đó, nhóm các đơn vị chi phối đóng góp 72% lợi nhuận trước thuế, nhóm các đơn vị liên kết đóng góp 28%; Ngành sợi đóng góp 41,7%; Ngành may đóng góp 36,8%.
Cầu dệt may đang có xu hướng giảm do lạm phát tăng, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu sau dịch đã ảnh hưởng lớn đến đơn hàng của các DN. Hiện tại, đa số các đơn vị mới ký đơn hàng đến hết tháng 8/2022, có đơn vị ký đến tháng 10 nhưng non tải (khoảng 30% năng lực). Chỉ một số ít các đơn vị đã đủ đơn hàng đến hết năm nhưng lại phải đối mặt với bài toán thiếu nguyên vật liệu, thiếu lao động, chi phí tăng…
Trong những tháng cuối năm 2022, ngành dệt may sẽ vẫn phải đối mặt với thách thức nguồn cung nguyên phụ liệu khi dự báo nguồn cung sẽ có xu hướng tăng giá. Theo đó, về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022, theo ông Cao Hữu Hiếu, cần phải đẩy mạnh khai thác nguồn cung nguyên liệu trong nước. Đồng thời tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các thị trường thay thế Trung Quốc.
Là một trong những DN luôn đạt được sự tăng trưởng ổn định, song hiện Tổng Công ty May 10 cũng gặp không ít thách thức với nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào. Mặc dù công ty đã có đơn hàng đến hết tháng 9/2022, riêng với mặt hàng veston đã có đơn hàng đến cuối năm với thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản nhưng vấn đề nan giải của công ty là tìm nguồn nguyên phụ liệu cho hoạt động sản xuất đáp ứng các đơn hàng đã ký. Bởi, nguồn cung nguyên phụ liệu cho ngành dệt may hiện đang gặp nhiều khó khăn, một mặt do giá cả leo thang.
Trong thời gian tới, công ty sẽ tích cực đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các nhà cung cấp trong nước. Đồng thời tìm kiếm nguyên liệu từ nhiều thị trường khác nhau để chủ động cho hoạt động sản xuất. Mặc dù chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xăng dầu và logistics tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2022 nhưng với nỗ lực gia tăng năng suất và cắt giảm chi phí, công ty vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu toàn tổng công ty trong tháng 5 đạt 370 tỷ đồng, đạt 164,7% so với cùng kỳ và bằng 103% so với kế hoạch đặt ra, trong đó chủ yếu do doanh thu xuất khẩu tăng 70% so với cùng kỳ.
Trong quý III/2022, May 10 sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tìm nguồn xuất khẩu mới có chọn lọc để có mặt hàng tương đối phù hợp với đơn vị sản xuất, đặc biệt là nhóm sản phẩm veston...
Theo VITAS, triển vọng của ngành dệt may từ nay đến cuối năm là rất khả quan khi mà thị trường các nước xuất khẩu đã ổn định trở lại trong trạng thái bình thường mới. Đặc biệt là các DN xuất khẩu dệt may đang tận dụng tốt những ưu đãi của các Hiệp định thương mại thế hệ mới, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký VITAS cho rằng, với sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, dự kiến xuất khẩu năm 2022 sẽ đạt khoảng 47 - 48 tỷ USD. Các DN trong ngành cũng đã chủ động đơn hàng đến hết quý III/2022. Tuy nhiên trước ảnh hưởng tiêu cực của tình hình thế giới, ngành may từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ gặp khó khăn về thị trường và nguyên phụ liệu. Do đó các DN cần lên các kịch bản sản xuất phù hợp, chủ động thực hiện các đơn hàng để đạt được mục tiêu đề ra.