Gần 10 năm thành lập doanh nghiệp kết nối thương hiệu thời trang châu Âu với đơn vị gia công tại Việt Nam, bà Mandy Châu, Giám đốc Telileo, cho biết phải đến gần đây mới tìm được một vài nhà cung cấp sợi vải "xanh" tại Việt Nam, dù nhu cầu rất lớn.
"Trước đây hầu như chúng tôi phải nhập sợi vải từ Trung Quốc, Thái Lan rồi đem về Việt Nam gia công, nay mới tìm được nhà cung cấp nội địa. Với số lượng khách hàng tăng gấp 5 lần sau 10 năm, cùng với EVFTA càng tăng sức hút của Việt Nam, chúng tôi đang không đáp ứng nổi nhu cầu của họ", bà Mandy nói với Zing.
Bài toán chi phí và thị trường
Theo bà Mandy Châu, các doanh nghiệp đến sau cùng đều mong muốn chủ động nguồn nguyên liệu nội địa để giảm thiểu rủi ro về chi phí và thời gian logistics. Đồng thời, khi có vấn đề xảy ra trong quá trình sản xuất, đối tác cung ứng trong nước sẽ hỗ trợ giải quyết kịp thời hơn.
Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp sản xuất vật liệu "xanh" trong ngành dệt may Việt Nam hiện chỉ đếm trong lòng bàn tay.
Trao đổi với Zing quanh vấn đề này, ông Tuấn Nguyễn, Giám đốc Phát triển thị trường tại Leanwares, cho rằng nguyên nhân là chỉ mới có doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự chú trọng đến vấn đề "xanh hóa".
Là người trực tiếp tư vấn xây dựng nhà máy cho nhiều doanh nghiệp không chỉ trong ngành dệt may mà cả về nội thất, công nghệ sinh học..., ông nhận ra các doanh nghiệp Việt Nam ở mức doanh thu khoảng 5- 10 triệu USD /năm thường ngại thay đổi.
"'Xanh hóa' không chỉ đặt ra bài toán chi phí và thời gian để thay đổi toàn bộ cách thức vận hành của một doanh nghiệp, mà đổi lại mức chi phí và thời gian đó, doanh nghiệp cũng chưa nhìn thấy độ lớn nhu cầu của thị trường", ông Tuấn Nguyễn đánh giá.
'Xanh hóa' không chỉ đặt ra bài toán chi phí và thời gian, mà đổi lại doanh nghiệp cũng chưa nhìn thấy độ lớn nhu cầu của thị trường
Ông Tuấn Nguyễn, Giám đốc Phát triển thị trường tại Leanwares
Thực tế, ông Dave Quách, nhà sáng lập Bảo Lân Textile, cũng thừa nhận rất khó khăn trong khâu chào bán sản phẩm suốt những năm đầu tiên sản xuất các sợi vải thân thiện với môi trường.
"Phát triển một mẫu sản phẩm tốn rất nhiều tiền, riêng dệt một cây vải đã mất ít nhất hơn 5 triệu đồng, mà chưa chắc người tiêu dùng đã đón nhận, nên doanh nghiệp dệt may thường ngại thử nghiệm, đặc biệt những loại vải được coi là thân thiện với môi trường thường có mức giá cao.
Đó là lý do chúng tôi chỉ thực sự nhìn thấy cơ hội khi nghiên cứu thành công sợi vải làm từ than tre với mức giá tương đương vải cotton", ông Dave Quách chia sẻ.
Ông cho biết sợi than tre hiện là loại sợi thân thiện với môi trường có giá thành hợp lý nhất. Cụ thể, trong khi các doanh nghiệp phải chi hơn 150.000 đồng để mua 1 kg sợi tái chế hay hơn 200.000 đồng đối với sợi hữu cơ, thì sợi than tre nhập khẩu chỉ có giá 140.000 đồng/kg. Thậm chí, với sợi than tre của Bảo Lân, giá thành bán ra khoảng 120.000 đồng/kg, gần bằng sợi cotton.
"Dù vậy, chúng tôi vẫn phải lấy nguồn tre từ Trung Quốc bởi sản lượng và chất lượng tre ở Việt Nam không thể đáp ứng. Do đó chúng tôi đang nghiên cứu một loại sợi vải khác chiết xuất từ xơ chuối của Việt Nam để có thể chủ động nguồn cung hơn, và biết đâu có giá thành tốt hơn nữa", ông Dave nói.
Cần chuyển đổi để bắt kịp xu thế
Tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành dệt may mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhấn mạnh yêu cầu "xanh hóa" dệt may từ các FTA thế hệ mới là một trong những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đối mặt. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp cho ngành trong thời gian tới.
Bởi lẽ, kim ngạch xuất khẩu dệt may nửa đầu năm dù đã tăng 17,7% so với cùng kỳ vẫn chỉ đạt khoảng 22,3 tỷ USD , để lại sức ép phải hoàn thành hơn 20 tỷ USD kim ngạch trong nửa cuối năm trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... vẫn áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, tổng cầu trên toàn thế giới đang để lộ nhiều dấu hiệu sụt giảm, trong khi các loại chi phí đầu vào và sản xuất của ngành dệt may đã tăng 20-25% từ đầu năm đến nay.
Chung quan điểm này, ông Tuấn Nguyễn cho biết hầu hết doanh nghiệp nước ngoài ông đang làm việc cùng hoặc có thông tin đều mong muốn tìm kiếm các nguyên vật liệu "xanh" để đưa vào chuỗi cung ứng. Đây là yêu cầu của họ từ nhiều năm qua và càng được thúc đẩy bởi các FTA gần đây. Ông gọi đó là "mồi câu" để doanh nghiệp Việt theo đuổi xu hướng "xanh hóa".
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp dệt may cần tích cực đầu tư máy móc công nghệ, tăng cường đào tạo nhân lực và nhanh chóng chuyển đổi xanh để thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng và bắt kịp xu thế thị trường. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng xanh của toàn cầu.