Năm 2022 vừa qua, tăng trưởng của ngành bán lẻ cả nước ở mức 22%, tuy nhiên dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mức tăng trưởng ngành này trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 17,5%. Thực tế cho thấy con số này còn thấp hơn vào những tháng đầu năm. Thống kê từ Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, không có nhà bán lẻ nào trong quý 1/2023 tăng trưởng dương.
Ngành du lịch, bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng tiếp tục gặp khó
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chịu ảnh hưởng từ việc nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang đi vào giai đoạn suy thoái. Đây là những vùng có hợp tác sâu rộng với Việt Nam nên thị trường bị tác động.
Bản thân các doanh nghiệp trong nước trước đây phát triển mạnh ở thị trường nước ngoài, nay gặp khó khăn cũng quay lại phát triển thị trường trong nước, tạo ra sự cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp nội địa.
“Không chỉ các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh lẫn nhau mà các hiệp hội kinh tế nước ngoài, tham tán thương mại các nước cũng giới thiệu sản phẩm vào Việt Nam tạo nên sự cạnh tranh ngày càng lớn. Dù vậy, sự tích cực là làm thị trường đa dạng, phong phú hơn, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn”, đại diện Saigon Co.op phân tích.
Đề cập đến những khó khăn, bất cập của doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đại diện Saigon Co.op cho rằng doanh nghiệp ngành bán lẻ đã dốc hết sức để số hóa trong giai đoạn Covid-19.
Không chỉ ngành bán lẻ, ngành du lịch TP.HCM cũng gặp những khó khăn tương tự. Theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), doanh nghiệp du lịch gặp khó do nhiều cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập trong việc gia hạn các hợp đồng thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, các thủ tục xin điều chỉnh mức đầu tư dự án, xin giấy phép... đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án.
Giá bất động sản hiện nay vẫn chưa điều chỉnh được, mặt bằng cho thuê vẫn ở mức cao, tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Mặt bằng trống rất nhiều nhưng thực tế giá thuê không giảm nên mạng lưới thị trường bán lẻ, dịch vụ và tiêu dùng không thúc đẩy được.
Đẩy mạnh các giải pháp kích cầu
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành bán lẻ phát triển, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đề xuất.
Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng đã đưa ra một số kiến nghị mà TP.HCM và cả nước cần triển khai liên quan đến chính sách thuế, vĩ mô. Cụ thể như cần hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng, chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng 2%, cần triển khai càng sớm càng tốt để kích cầu, qua đó doanh nghiệp có thêm "hơi thở" mới.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ hơn để gia tăng sự phát triển, tiếp tục phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bởi đây là xu hướng tất yếu trong tương lai. Hiện nay trên thế giới đang có những dấu hiệu mất cân đối cung cầu nên Thành phố cần có sự chuẩn bị ứng phó, như dấu hiệu của khủng hoảng thừa, tức là các doanh nghiệp không đồng ý bán với giá thấp hơn sản xuất. Khi đó Thành phố cần phải có sự vận động để doanh nghiệp thấu hiểu, chấp nhận bán giá rẻ tránh khủng hoảng thừa.
“Khi có sự mất cân đối, một số nước bắt đầu có tình trạng tăng trữ lượng các mặt hàng tiêu dùng thông thường trong dự trữ quốc gia. TP.HCM và cả nước cũng cần chuẩn bị cho những giai đoạn khó khăn chưa dừng lại, cần tính toán để có giải pháp bình ổn thị trường cả nước…”, ông Đức nói thêm.
Đối với những giải pháp nhằm kích cầu ngành du lịch TP.HCM, đại diện Saigontourist Group cũng đề xuất những giải pháp cụ thể. Trong đó, cần thiết triển khai sớm chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch thành phố, chiến lược marketing du lịch thành phố cũng như tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch dành cho du khách quốc tế và nội địa đến Việt Nam và TP.HCM trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp như lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác phân phối lớn trong các hoạt động marketing du lịch; giữa doanh nghiệp và cơ quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch nhằm tạo ra chính sách giá thuận lợi nhất cho du khách nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm hấp dẫn du khách;…
“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, liên khu vực nên để phục hồi, phát triển ngành du lịch TP.HCM rất cần sự phục hồi, phát triển của các ngành kinh tế khác. Giao thông phát triển đi trước, sản phẩm du lịch sẽ phát triển ngay theo sau. Do đó, TP HCM cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông du lịch như: hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không, hệ thống cảng du lịch tàu biển, tàu sông chuyên dụng…”, ông Tài nhấn mạnh.
Đối với những vướng mắc liên quan đến các dự án, doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành Trung ương, Thành phố quan tâm tháo gỡ để doanh nghiệp đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh, đóng góp mạnh mẽ vào phục hồi, phát triển kinh tế Thành phố.
Bên cạnh đó, ngành du lịch TP.HCM cần chú trọng phát triển đồng bộ du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Đẩy mạnh kích cầu quảng bá đồng thời đối với thị trường khách quốc tế và nội địa đến TP.HCM để "không thua ngay trên sân nhà" khi Thành phố là thị trường lớn đối với du lịch nội địa của cả nước đồng thời đối với một số điểm đến trọng điểm quốc tế trong khu vực.
Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, trong đó chú trọng yếu tố liên kết theo vùng; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm mới; đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, quảng bá xúc tiến và đầu tư trong lĩnh vực du lịch, chú trọng đẩy mạnh thu hút du khách trong công tác liên kết du lịch TP.HCM.