Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã công bố BCTC hợp nhất quý 4 và cả năm 2022. Trong bối cảnh vĩ mô biến động, lãi suất tăng, tín dụng siết chặt… bức tranh kinh doanh nhìn chung không mấy khả quan. Đại diện cho nhóm doanh nhân tiêu biểu, các doanh nghiệp được “chèo lái” bởi các tỷ phú cũng đã trải qua một năm đầy sóng gió.
Là “anh cả” ngành thép, Hoà Phát (HPG) của ông Trần Đình Long lỗ kỷ lục 2.000 tỷ đồng trong quý 4/2022, trong khi các đơn vị cùng ngành có cải thiện (giảm lỗ so với quý 3/2022). Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận sau thuế HPG theo đó chỉ còn hơn 8.400 tỷ đồng, tương đương 24% so với năm 2021.
Nhu cầu sụt giảm trong lẫn ngoài nước, giá bán lao dốc trong khi giá nguyên vật liệu tăng (đặc biệt giá than đột biến), tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng… đã ảnh hưởng đến hoạt động của HPG. Điều này đã được Chủ tịch là ông Trần Đình Long chia sẻ tại ĐHĐCĐ đầu năm. Do đó, trong kỳ HPG sớm lên giải pháp ứng phó khó khăn. Đơn cử:
(i) điều chỉnh dư nợ vay về ngưỡng an toàn, giúp chủ động được việc điều chỉnh dư nợ vay về mức phù hợp khi lãi suất tăng cao;
(ii) Cân đối lại tỷ trọng nợ vay nước ngoài để giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Trong 6 tháng cuối năm 2022, Tập đoàn đã hạ dư nợ vay nước ngoài từ 1,3 tỷ xuống còn hơn 700 triệu USD vào cuối năm 2022.
(iii) Quản trị hàng tồn kho, giảm gánh nặng vốn lưu động và cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: Tồn kho HPG cuối năm 2022 giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây.
Cũng là đơn vị đi đầu ngành, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của đại gia Nguyễn Đức tài không tránh khỏi áp lực suy giảm, đặc biệt trong quý cuối năm. MWG thu về lãi ròng 619 tỷ đồng trong quý 4, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là quý MWG ghi nhận lợi nhuận thấp nhất kể từ quý 3/2018 (thấp hơn nhiều so với giai đoạn cao điểm đại dịch).
Luỹ kế cả năm, MWG đạt 4.100 tỷ đồng LNST, giảm 16% so với năm 2021 và thực hiện được 64,5% chỉ tiêu. 2022 được ông Nguyễn Đức Tài đánh là năm lạ lùng, một năm đầy thách thức do biến động vĩ mô. Trong đó, những bất ổn về chính trị - kinh tế toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, thu nhập và xu hướng tiêu dùng của người dân.
Năm qua, bên cạnh việc thúc đẩy doanh số thông qua việc mở rộng ngành hàng, tái cấu trúc các chuỗi hiệu hữu… MWG cũng chủ động hạ dư nợ vay để giảm áp lực chi phí. Tín hiệu tốt đạt được có: chuỗi dành cho "apple fan" là TopZone ghi nhận tăng trưởng 40% doanh thu trong năm đầu đẩy mạnh; chuỗi nhà thuốc An Khang mang về 1.500 tỷ đồng và chuỗi AVA (bao gồm AVAKids và AVASport) đóng góp 600 tỷ doanh thu; hay chuỗi EraBlue (tại Indonesia) đạt mốc 1 triệu USD đầu tiên sau khi khai trương 5 cửa hàng hồi tháng 12/2022.
Bị ảnh hưởng đáng kể khi tiêu dùng giảm còn có Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Trong báo cáo mới công bố, MSN nhấn mạnh môi trường kinh doanh đang ngày càng trở nên khó khăn do lạm phát cao hơn (chủ yếu do giá lương thực, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng), chính sách tiền tệ thắt chặt, phát hành trái phiếu doanh nghiệp chậm lại và tổng cầu trên toàn thế giới suy yếu đã ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu của Việt Nam (giảm từ 35 tỷ USD vào tháng 8/2022 xuống còn 29 tỷ USD vào tháng 12/2022).
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần của MSN đạt 76.189 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6% so với năm 2021. Khấu trừ chi phí, lãi ròng Công ty vẫn giảm 58%, đạt 3.567 tỷ. Nguyên nhân theo MSN chủ yếu do khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi trong quý 4/2021 và LNST năm 2022 của Masan MEATLife (MML) và công ty mảng khoáng sản MHT thấp hơn.
Dù vậy, 2022 cũng là năm MSN thực hiện nhiều thay đổi trong hệ thống, đặc biệt với chuỗi cửa hàng tiện lợi. Chủ tịch là ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Tôi tự hào về cách Masan đã và đang đổi mới để vượt qua bối cảnh kinh tế vĩ mô và vi mô đầy biến động. Năm 2022, chúng tôi củng cố nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp với việc ra mắt các cửa hàng WIN. Năm 2023 và xa hơn nữa, những đổi mới mang tính quyết định tiếp theo của Masan sẽ là số hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng tiêu dùng từ sản xuất đến bán lẻ, đồng thời phát triển nền tảng tích hợp giữa thương mại hiện đại và thương mại truyền thống”.
Sang năm 2023, MSN đề mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 90.000 tỷ đồng – 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18 - 31% so với mức 76.189 tỷ đồng trong năm 2022. TCX vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu.
“Người anh em” Techcombank (TCB) dưới trướng ông Hồ Hùng Anh lại tăng trưởng trong năm 2022, với tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh đạt 40.900 tỷ, tăng 10,3% so với năm 2021. Thu nhập từ lãi đạt 30.300 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) được quản lý ở mức 5,1%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 25% (trong đó riêng thu phí từ dịch vụ thẻ đạt hơn 1.980 tỷ đồng, tăng đến 83,5% so với năm trước); thu từ dịch vụ bảo hiểm tăng 12% đạt hơn 1.750 tỷ đồng; thu từ thư tín dụng tăng 154% đạt hơn 2.016 tỷ.
Nhìn chung, nhờ kinh doanh tích cực và tiết giảm được chi phí nên lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Techcombank tăng trưởng 10%, đạt 25.600 tỷ đồng.
Tăng trưởng còn có tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Vingroup (VIC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 101.523 tỷ đồng, giảm 19% và lãi ròng 8.352 tỷ đồng, trái ngược với kết quả lỗ 2.514 tỷ đồng trong năm 2021.
Kinh doanh chuyển nhượng bất động sản vẫn là mảng mang về doanh thu lớn nhất cho VIC, trong năm 2022 với 54.861 tỷ đồng doanh thu thuần, chiếm 54% doanh thu thuần cả năm. Vingroup cho biết doanh thu bất động sản trong quý chủ yếu đến từ các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire. Bên cạnh đó, các mảng hoạt động khác như cho thuê bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, y tế và giáo dục đều tăng so với cùng kỳ.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản VIC đạt 574.807 tỷ đồng, tăng 34% so với thời điểm 31/12/2021. Lượng tiền mặt và tiền gửi của Tập đoàn tăng lên 28.224 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn ghi nhận sụt giảm đáng kể trong quý 4 và cả năm 2022. Quý cuối năm qua cũng quý ghi nhận nhiều biến động cũng như lên kế hoạch tái cấu trúc của Tập đoàn.
Luỹ kế năm 2022, NVL ghi nhận gần 11.152 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất, giảm 25% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt gần 9.221 tỷ đồng, được ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne, Soho Residence và Victoria Village; doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.930 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, NVL đạt 4.114 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và hơn 2.293 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 34% so với năm ngoái.
Theo NVL, trước tình hình biến động của kinh tế thế giới và cả trong nước ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn đã và đang tái cấu trúc để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành của Tập đoàn quyết liệt đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể như tinh giảm các hoạt động chưa cần thiết, củng cố đội ngũ nhân sự vững chuyên môn, dày kinh nghiệm.
Trong số đơn vị được dẫn dắt bởi các tỷ phú, cá biệt có HAGL Agrico (HNG) tiếp tục thua lỗ, thậm chí lỗ kỷ lục sau 2 năm do tỷ phú Trần Bá Dương “cầm lái”. Tính đến cuối năm 2022, tổng lỗ luỹ kế đến của HNG đã tăng lên 6.993 tỷ đồng, "ngốn" hơn nửa tổng vốn chủ sở hữu Công ty.
Nguyên nhân thua lỗ theo HNG do ảnh hưởng của cơn bão Noru tại thời điểm cuối tháng 9/2022 và tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào, dẫn đến sản lượng thu hoạch chuối giảm 68% so với cùng kỳ quý 4/2021; Giá mua phân bón so với cùng kỳ quý 4/2021 tăng 35%, vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 18%; Cước phí vận chuyển tăng 9% (từ 2.198 USD/Cont tăng lên 2.390 USD/Cont) so với quý 4/2021.
Ngoài ra, Công ty thực hiện rà soát lại sổ sách kế toán, ghi nhận chi phí chuyển đổi các vườn cây năm 2020 trở về trước chưa hạch toán bao gồm vườn cây cao su, cọ dầu và cây ăn trái với tổng chi phí 2.127 tỷ đồng.