Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 11/8, các hiệp hội doanh nghiệp chỉ ra những khó khăn khi chi phí, nhất là chi phí vận tải, tăng vọt trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam, chi phí sản xuất tăng cao khiến giá thành sản phẩm tăng và làm giảm khả năng cạnh tranh.
Chi phí thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 20% sau đại dịch. Trong đó, giá bán thức ăn chăn nuôi của sản phẩm cá tra và tôm có tác động rất lớn. Chi phí vận tải biển và nhân công cũng tăng trong 2 năm qua vì dịch bệnh, ách tắc và giá nhiên liệu cao.
Ông Nam cho biết các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển và hội nhập đều tăng.
Gánh nặng chi phí
Nhận diện những khó khăn, thách thức trong 7 tháng đầu năm, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cũng chỉ ra một số tác động tiêu cực từ lạm phát.
Theo ông, lạm phát tại Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng đến sức mua của người lao động, khiến đơn hàng của ngành dệt may - vốn phụ thuộc vào xuất khẩu - có xu hướng giảm đi. Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đẩy chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao.
Riêng chi phí vận chuyển tăng gấp khoảng 3 lần so với 5 năm trước đây.
Ngoài ra, trong thời kỳ dịch bệnh, tiềm lực về vốn và tài chính của nhiều doanh nghiệp suy yếu. Một số doanh nghiệp đọng tiền hoàn thuế VAT trên 5 tỷ đồng trong thời gian dài.
Lãnh đạo doanh nghiệp còn gặp nhiều trường hợp công nhân vay nợ nhưng lãnh đạo bị đòi nợ, gây ra mệt mỏi, bức xúc. Tình trạng người lao động về quê trong thời kỳ dịch bệnh nhưng không trở lại cũng gây ra trở ngại.
Tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra trong quý II, mức tăng chi phí của doanh nghiệp đang cao hơn tăng trưởng doanh thu so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái.
Giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Giá thành gói thầu xây dựng tăng 18-30% theo từng thời điểm, chi phí logistics tăng 3-5 lần.
Theo ông Dũng, tình trạng thiếu hụt lao động và quy định tăng lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Họ phải tăng những khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương, trong khi giá bán ở các đơn hàng đã ký kết không thể thay đổi.
Ở một số ngành hàng, tình trạng thiếu hụt linh kiện cản trở hoạt động sản xuất. Lạm phát tăng cao trên toàn cầu cũng làm giảm sức mua tại những thị trường nước ngoài.
Giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp
Theo ông, cần tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Một trong số những biện pháp là nghiên cứu triển khai hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của giá xăng dầu như hỗ trợ ngư dân bám biển, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, người có thu nhập thấp.
Ông Dũng cho rằng cần đẩy mạnh triển khai những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu và mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đối với giá thức ăn chăn nuôi.
Còn theo ông Lê Quang Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, trong đợt khủng hoảng giá cước trên thế giới, lợi nhuận chỉ chảy vào những hãng lớn của nước ngoài.
Ông cho rằng Việt Nam chưa được hưởng lợi trong vấn đề này. Do đó, việc đẩy mạnh đội tàu, trong đó có container, là rất quan trọng.
Theo đó, Việt Nam là nước nhập khẩu lớn một số mặt hàng như than hay xuất khẩu clinker/ximăng trên 25 triệu tấn. Tuy nhiên, đội tàu Việt Nam còn khá nhỏ bé so với đội tàu thế giới, nên rất cần cơ chế dành quyền vận tải cho 20-30% sản lượng xuất nhập khẩu đó cho đội tàu Việt Nam trên cơ sở giá thắng thầu vận tải.