Thông tin về tình hình lao động, việc làm nửa đầu năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 51,4 triệu người. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm là 50,3 triệu người. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ước đạt 66,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%.
Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động. Ảnh - Nhật Dương.
Về cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định, có thiếu cục bộ nhưng không nhiều.
Đề cập việc lao động thiếu ở một số địa bàn, thiếu cục bộ ở một số ngành, tại hội nghị giao ban tháng 8 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, trong năm nay lực lượng lao động nhảy việc tương đối nhiều. Hầu hết tình trạng nhảy việc xảy ra liên quan đến thu nhập thấp. Người lao động có quyền lựa chọn môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập tốt hơn. Những đơn vị doanh nghiệp gần đây hạn chế việc làm thêm đồng nghĩa tỉ lệ lao động nhảy việc nhiều.
Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết thời gian vừa qua Trung tâm có nhận được phản hồi của các doanh nghiệp về việc thiếu hụt lao động hay khó tuyển dụng. Tuy nhiên, Hà Nội mặc dù cũng có sự thiếu hụt lao động nhưng mức độ không nhiều như các tỉnh khác. Hơn nữa, việc thiếu hụt lao động cũng là quy luật của thị trường, bởi rất khó đòi hỏi sự tiệm cận giữa cung và cầu.
Theo ông Thành, trên địa bàn Hà Nội, một số nhóm ngành có thể thiếu hụt lao động nhiều như du lịch, dịch vụ do trước đây bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phải hoạt động cầm chừng nay khi hoạt động bình thường đang cần tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Trong lĩnh vực sản xuất cũng cần tuyển nhiều lao động phổ thông, nhất là ở nhóm điện tử, may mặc…
Thiếu lao động là thực tế của nhiều doanh nghiệp khi liên tục đăng tin tuyển dụng nhưng vẫn không tìm được lao động. Bà Hoàng Thị Chín, chuyên viên hành chính nhân sự Công ty TNHH Sản phẩm Ricoh Iamging (Việt Nam) - chuyên sản xuất phụ kiện, ống kính máy ảnh, cho biết hiện đơn vị này đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 lao động phổ thông, độ tuổi từ 18-35 cùng nhiều vị trí khác như: Nhân viên kỹ thuật sơn, nhân viên kỹ thuật sửa chữa, IT, phiên dịch tiếng Anh, tiếng Nhật...
Theo bà Chín, dù đã tuyển dụng qua nhiều kênh, thậm chí trả phí cho một số kênh tuyển dụng chuyên nghiệp song doanh nghiệp vẫn rất khó để tìm được ứng viên phù hợp.
Bà Đào Lan Phương, chuyên viên tuyển dụng nhân sự Công ty TNHH Intop Việt Nam, cho biết doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng nhân sự để phục vụ cho nhiều vị trí đang trống của công ty. Nhóm lao động công ty hướng đến là có trình độ, kinh nghiệm. Để tuyển dụng được nguồn lao động phù hợp, doanh nghiệp đưa ra mức lương từ 10-20 triệu đồng/tháng với những người có kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật. Tuy nhiên, để tìm được nhân sự đáp ứng yêu cầu cũng rất khó khăn.
Để kết nối nhu cầu tuyển dụng giữa doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn Hà Nội, góp phần bù đắp sự thiếu hụt lao động của các đơn vị này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, thông tin hiện nay bên cạnh số lao động thường xuyên được kết nối việc làm tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ, TP. Hà Nội sẽ cung cấp nguồn lao động từ nhóm đã hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
"Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp, qua đó có số Zalo, điện thoại, email để thông tin các phiên giao dịch việc làm được gửi đến người lao động. Như vậy, người lao động có cơ hội tìm được việc làm để quay trở lại thị trường lao động, doanh nghiệp cũng có được nguồn lao động đáp ứng yêu cầu", ông Khánh thông tin.