Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao
Tại hội nghị tín dụng bất động sản mới đây, các ngân hàng đã thống nhất giảm thêm lãi suất huy động kể từ ngày 13/2. Tuy nhiên, lãi suất cho vay khi nào giảm vẫn là câu chuyện mà người đi vay mong chờ nhất.
Còn nhớ, cách đây chục năm khi Chính phủ tung ra gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho nhiều người thu nhập trung bình và thấp mua được nhà với lãi suất chỉ từ 5 - 6%/năm. Điều này không chỉ hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua được nhà, mà còn tạo ra tính thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Nhưng hiện nay, vay tiêu dùng của người dân không có gói lãi suất ưu đãi, nên người vay chịu mức lãi suất thả nổi của thị trường, tuỳ từng ngân hàng mà có mức lãi cho vay từ 13-15%/năm.
Chị Hoàng Thị Thu Anh là giáo viên tiểu học ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ, chị đã tìm mua nhà ở xã hội vài năm nay. Trường hợp, nếu năm nay có dự án mở bán thì nỗi lo khác lại chồng lên, khi lãi suất vay mua nhà hiện đang ở mức trên 10%/năm khiến gia đình chị không thể trả lãi hàng tháng được.
“Theo quy định, mức thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng là mức không phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì mới đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Nhưng với mức lãi vay như hiện nay thì gia đình tôi không trả lãi hàng tháng được”, chị Thu Anh nói.
Còn đối với các doanh nghiệp đang chuẩn bị triển khai dự án bất động sản, họ chỉ mong lãi suất ở mức hợp lý, chưa nghĩ tới gói vay ưu đãi nào. "Chúng tôi mong muốn lãi suất các ngân hàng cho vay như mốc năm 2021, trung bình chỉ 10%. Tiếp theo nữa là thủ tục đầu tư, 1 dự án nhà ở xã hội, riêng thủ tục từ 2 - 3 năm khiến chi phí đội vốn lớn", ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 Group, cho biết.
Các doanh nghiệp bất động sản và sản xuất đều cho rằng, lãi vay hiện nay sẽ khiến họ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Đặc biệt, với mức lãi suất cho vay 13%-15%/năm trong bối cảnh lạm phát tăng, rất khó để doanh nghiệp sống được.
Đồng thời, một số doanh nghiệp cho rằng, các ngân hàng cần tạo điều kiện cho vay đối với các dự án có đầy đủ pháp lý, mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng; đồng thời có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư.
Tại tọa đàm chủ đề "Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp" tổ chức mới đây, ông Đặng Ngọc Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Xuất nhập khẩu trái cây Tam Nguyên (tỉnh Tây Ninh) phản ánh "Thông tin công bố cho thấy nhiều ngân hàng mở rộng gói vay tín dụng ưu đãi, nhưng thực tế doanh nghiệp không tiếp cận được. Lãi suất vay hiện ở mức 14%-15%/năm chắc chắn khó cho doanh nghiệp nhưng càng khó hơn khi doanh nghiệp chấp nhận lãi suất cao mà vẫn không tiếp cận được vốn tín dụng, thậm chí phải xoay xở vay "nóng" bên ngoài".
Sẽ cố gắng giảm lãi suất
Tại hội nghị tín dụng bất động sản mới đây, nhiều doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị giảm lãi suất cho vay. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, thời gian qua, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước không bao giờ nâng lãi huy động “kịch khung” để có thể hỗ trợ lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại lớn đã có buổi nhóm họp và thống nhất giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới, nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay với lĩnh vực bất động sản nói riêng.
“Trước khi Hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã thống nhất với nhau sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của NHNN, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường” ông Tùng cho biết.
Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã nhiều lần kêu gọi, yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí đầu vào để có thể giảm lãi suất đầu ra. Theo quan sát, từ đầu năm đến nay một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay 0,5 – 1% theo yêu cầu, song trước áp lực chi phí đầu vào chưa giảm thì lãi vay khó giảm trong nửa đầu năm nay. Giới phân tích kỳ vọng, bước sang quý III/2023 mặt bằng lãi suất giảm nhiệt.
Hồi cuối năm 2022, Hiệp hội Ngân hàng họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản cộng khuyến mãi nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, an toàn thanh khoản hệ thống.
Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt các ngân hàng trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực của từng tổ chức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Giảm lãi suất nhưng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Nhưng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận và cổ đông phải chia sẻ", ông Tú nhấn mạnh.
Đại diện các ngân hàng đều thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng trong việc đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Với đề xuất giảm lãi suất cho vay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, nhưng khẳng định nếu điều kiện cho phép sẽ cố gắng giảm, không chỉ cho bất động sản mà cả các lĩnh vực khác.