Năm 2022, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng như tình hình lạm phát ở Mỹ và châu Âu, người dân toàn cầu có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm, do đó phần nào ảnh hưởng đến đơn hàng của các doanh nghiệp gia công. Ngoài ra, sau dịch Covid-19, Việt Nam tăng cường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu đã mua dự trữ nhiều hàng hóa trước đó, nên những tháng cuối năm này nhu cầu mua hàng giảm đi.
Khi đủ công nhân thì thiếu đơn hàng
Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các công nhân may của Công ty Cổ phần Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công (Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) sẽ có thêm một ngày nghỉ mỗi tuần. Anh Trần Kim Thành, Phân xưởng may 2A, cho biết xưởng có trên 600 công nhân và từ giờ sẽ nghỉ thứ bảy theo hình thức nghỉ phép hưởng nguyên lương hoặc nghỉ không lương với những người đã hết ngày nghỉ phép. Một tuần chỉ làm 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng, nên chắc chắn thu nhập của công nhân sẽ bị giảm sút.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, cho biết thời điểm này các năm trước, kể cả các năm có dịch Covid-19, đơn hàng xuất khẩu đã kín đến hết quý 1 của năm sau, các đối tác chủ động tìm đến doanh nghiệp đặt hàng, công nhân làm không kịp. Nhưng hiện tại, doanh nghiệp không có đối tác mới, còn đơn hàng cũ chỉ đủ để sản xuất đến đầu tháng 11 năm nay. “Hiện tại, chúng tôi chỉ lo không đủ việc cho công nhân làm. Nếu sắp tới không có đơn hàng mới với số lượng lớn, thời hạn dài thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”.
Theo bà Trần Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chưa năm nào mà tình hình xuất khẩu lại “ngược đời” như năm nay. Trong quý 1, doanh nghiệp nhận đơn hàng nhiều nhưng lại thiếu nhân công, phải chạy khắp nơi tuyển lao động. Đến quý 2, khi doanh nghiệp đã tuyển đủ nhân công thì đơn hàng không có, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng đến cuối năm 2022. Hiện Vitas đang thống kê để có hướng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung vào những doanh nghiệp có lượng đơn hàng giảm nhiều, ảnh hưởng đến công nhân.
Theo bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, đơn hàng giảm buộc công ty phải xoay xở nhiều cách để duy trì việc làm cho người lao động. Ví dụ công ty đôn tiến độ sản xuất các đơn hàng lên nhanh hơn để người lao động có việc làm, thay vì 1 - 2 tháng tới mới giao. Đồng thời, công ty bố trí làm việc theo hai ca thay vì ba ca như trước đây. Theo bà Vân, tiền tăng ca thường chiếm hơn 50% thu nhập của công nhân, song trong bối cảnh thiếu đơn hàng như hiện nay, thời gian tăng ca không còn nhiều như trước.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết không chỉ ngành điện tử, dệt may mà ngành gỗ, sản xuất thép... cũng gặp nhiều khó khăn do sức mua ở các thị trường chính giảm mạnh. Đơn cử trong ngành gỗ, Công ty TNHH Khánh Xương (Bình Dương) phản ánh đơn hàng xuất khẩu hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với trước đây, nên buộc công ty phải cắt giảm dần lao động, hiện chỉ còn khoảng 30% lao động so với thời điểm trước dịch. Tương tự, Công ty TNHH Gia Nhiên cũng đã cắt giảm khoảng 50% lao động sản xuất và 20% lao động khối văn phòng để ứng phó với tình hình sụt giảm đơn hàng.
Tại Đồng Nai, nếu như đầu năm 2022 các doanh nghiệp liên tục tuyển dụng lao động phổ thông để phục hồi sản xuất, thì nay thị trường lao động không còn sôi động như trước. Chị Đoàn Thị Kim Loan, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), cho biết bước sáng quý 2 và 3, việc tuyển dụng phải dừng lại vì đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh. Để duy trì việc làm cho trên 42.000 lao động, công ty phải sắp xếp cho người lao động nghỉ phép ngày thứ bảy hàng tuần và giảm tăng ca. “Hy vọng cuối năm đơn hàng dồi dào thì việc tuyển dụng sẽ khả quan hơn”, bà Loan nói.
Tìm biện pháp đa dạng hóa thị trường
Báo cáo chiến lược mới đây của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy dữ liệu xuất khẩu đang có sự chậm lại đáng kể. Theo đó, những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục phải đối mặt với khó khăn từ xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn; diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng...
Mới đây, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022”. Đây là sự kiện thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước” được thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Mục tiêu của chuỗi hội nghị là giúp hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, chuỗi hội nghị đồng thời tạo cơ hội cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đưa ra những kiến nghị đề xuất các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu. Chẳng hạn, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị các Thương vụ cập nhật thông tin và tư vấn về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp gỗ, đặc biệt là thị trường Mỹ. Vận động để các phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ không gây thiệt hại quá lớn cho doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối doanh nghiệp gỗ Việt – Nga và tư vấn và trợ giúp doanh nghiệp hai bên ký kết hợp đồng, thanh toán và vận chuyển sản phẩm gỗ…
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đề xuất các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhất là Thương vụ tại khu vực EU, cập nhật thông tin về chiến lược mới liên quan đến dệt may. Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại làm thế nào thông thoáng con đường vận chuyển giữa hai nước giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên phụ liệu phục vụ kịp thời cho sản xuất. Thương vụ Việt Nam tại thị trường Mỹ và Pháp cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp dệt may trong nước những hội chợ phù hợp để tham gia...
Đại diện các doanh nghiệp đều cho biết trong bối cảnh thiếu hụt đơn hàng như hiện nay, họ tìm cách đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ… Đồng thời họ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ thông qua việc giảm thuế, phí xăng dầu; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022.
Theo bà Trần Thị Tuyết Mai, doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất, đáp ứng được nhu cầu mới, thị trường mới. Còn ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA, đánh giá thị trường nội địa rất giàu tiềm năng để khai thác đối với ngành gỗ cũng như các ngành khác, nhất là khi đầu tư công được đẩy mạnh. “Do đó, nếu định hướng lại thị trường, các doanh nghiệp vẫn có đầu ra tốt”, ông Phương nhận định.