Quay về sân nhà
Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tuy nhiên những tháng cuối năm 2023 các doanh nghiệp gỗ nội thất không thể xuất khẩu do thiếu đơn hàng trầm trọng. Trong bối cảnh ấy, nhiều đơn vị đã và đang tính toán lại sản xuất, dành một phần nguồn lực để cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, coi đây là cứu cánh trong khó khăn.
Bà Lê Hải Liễu - Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành cho biết, để duy trì đơn hàng, giữ chân người lao động, hiện công ty đang triển khai làm thêm hàng nội địa. Để làm điều này, hiện công ty đang đầu tư cho khâu thiết kế, đầu tư marketing, đầu tư cho quảng bá thương hiệu, chăm sóc các khách hàng nội địa.
“Trong giai đoạn này, thị trường nội địa góp phần hỗ trợ giữ việc làm cho người lao động. Như những năm trước tỷ trọng của xuất khẩu thường chiếm khoảng 85-86% so với tổng doanh thu tại công ty thì năm nay tỷ trọng xuất khẩu sẽ giảm xuống, và nâng tỷ lệ nội địa lên 20%”, bà Lê Hải Liễu thông tin.
Bà Tăng Thị Bích Phượng, Giám đốc Công ty CP Nguyên liệu Tavico (TP.Biên Hòa) - chuyên cung ứng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu cho hay, năm nay ngành gỗ gặp nhiều khó khăn, các đơn vị làm hàng xuất khẩu sụt giảm sản lượng, kéo theo việc tiêu thụ nguyên liệu của công ty cũng không được như kỳ vọng. Hiện tại, để giải quyết khó khăn và đa dạng hơn trong việc cung ứng nguyên liệu, công ty đã nhập các loại gỗ phù hợp với thị trường trong nước và từng bước giới thiệu sản phẩm, nguyên liệu mới, thúc đẩy xu thế của người tiêu dùng.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, với gần 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu lớn, thị trường nội địa có quy mô không hề nhỏ. Tuy nhiên, thị trường nội địa chưa nhận được mối quan tâm xứng đáng cả về cơ chế chính sách và của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành.
Ông Trần Tiến Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phương Nam - cho biết, doanh nghiệp của ông chủ yếu sản xuất mặt hàng túi xách bằng chất liệu vải không dệt. Đây là sản phẩm cao cấp có giá thành cao phù hợp với các khách hàng khó tính như: Anh, Pháp, Nhật, Hàn…
Vì vậy trước đây, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất phục vụ xuất khẩu mà ít chú trọng thị trường trong nước. Tuy nhiên, qua 2 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 xuất khẩu gặp khó khăn. Trong năm 2022, doanh nghiệp chịu thêm áp lực từ lạm phát toàn cầu tăng cao, đơn hàng xuất khẩu ngày một ít. Do đó, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước.
Ông Dũng vui mừng chia sẻ, ông rất ngạc nhiên, bởi sản phẩm túi không dệt lại được nhiều khách hàng Việt Nam nhất là các bạn trẻ đón nhận. Nhờ vậy sản lượng sản xuất hàng hóa năm 2022 của công ty đã tăng trưởng mạnh. Hiện doanh nghiệp đang xây dựng xưởng sản xuất mới ở thành phố Lạng Sơn để mở rộng quy mô sản xuất.
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, nhiều doanh nghiệp thương mại cũng đẩy mạnh các chương trình kích cầu trong nước hướng tới thị trường 100 triệu dân trong những tháng cuối năm.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) định hướng, giải pháp đầu tiên của doanh nghiệp là thay đổi kết cấu thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp và Vitas đang nỗ lực khuyến cáo các doanh nghiệp phải tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.
Hỗ trợ doanh nghiệp chinh phục thị trường nội địa
Với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng gia tăng thì thị trường nội địa cũng là “miếng bánh” hấp dẫn để các doanh nghiệp khai thác, nhất là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, việc khai thác tốt thị trường, quay trở lại sân nhà đối với nhiều doanh nghiệp không phải dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự năng động của các đơn vị trong việc tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, quay lại mở rộng thị trường trong nước đang là một hướng đi của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn và rào cản vẫn hiện hữu khi quay lại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ hay cả với hàng nhập khẩu đang có phần lấn át hàng nội.
Các dự báo tình hình kinh tế thế giới gần đây cho thấy, trong ngắn hạn sẽ không có nhiều điểm sáng nên cộng đồng DN trong nước phải chủ động tìm mọi cách vượt qua khó khăn. Đối với thị trường nội địa, để mạnh dạn quay lại, DN cần Nhà nước tạo thêm cơ chế, chính sách.
Theo đó, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ thủ tục, mặt bằng, hỗ trợ vào các chương trình bình ổn giá, cũng như giúp vay vốn với lãi suất ưu đãi khi tham gia các chương trình...
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu kỹ về thị trường, đồng thời lựa chọn cho mình một phần khúc phù hợp để có được dòng sản phẩm thực sự chinh phục được thị trường.