Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 11/8, các hiệp hội đồng tình rằng việc tiếp cận vốn vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp.
Đại diện của nhiều hiệp hội kiến nghị không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, để doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng một cách thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tín dụng đang bị siết chặt từ đầu tháng 8. Trong khi đó, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu thế giới sụt giảm. Nhiều nhà nhập khẩu không nhận được đơn hàng từ nay đến tháng 10.
Như vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sẽ có hàng tồn kho, không thể trả tiền ngay cho ngân hàng, dẫn tới không thể vay khoản mới để thu mua cá, tôm của nông dân.
Ông Nam mong rằng Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo để giải quyết những vấn đề diễn ra trong một tuần qua.
Tại hội nghị, ông Nam cũng thông báo tin vui của ngành thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD, tăng 35% và là mức phục hồi nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Trong đó, những mặt hàng đặc biệt như cá tra tăng tới 80%.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường nhà đất.
Ông Châu chỉ ra một số dấu hiệu đáng ngại của thị trường bất động sản. "Thị trường bất động sản hiện nay có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu", chủ tịch hiệp hội nêu.
Riêng quý I và tháng 7, doanh nghiệp bất động sản không phát hành được trái phiếu nào.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn kiều hối sụt giảm cũng sẽ làm giảm đầu tư bất động sản, bởi trung bình có khoảng 20% kiều hối đầu tư vào ngành này.
Ông Châu cũng chỉ ra tình trạng lệch pha cung cầu, thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân, người lao động.
"Thị trường có dấu hiệu lệch pha trong phân khúc thị trường, lệch pha phân khúc nhà ở cao cấp nhưng rất thiếu nhà ở bình dân, nhà ở đáp ứng nhu cầu thực. Đơn cử nhà ở bình dân, năm 2020 chỉ chiếm 1%, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2020 là 0%. Ngược lại, nhà cao cấp năm 2021 chiếm 74% và 6 tháng đầu năm là 80,1%. Như vậy rất mất cân đối", ông Châu nêu.
Theo ông, tình trạng lệch pha về cung cầu và lệch pha về cung ứng thị trường dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm vừa qua, tính từ năm 2017.
Không siết tín dụng bất hợp lý
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, trong khi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang còn nhiều bất cập do sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu tính thực tiễn của một số văn bản quy phạm pháp luật.
Tại hội nghị, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để chấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu để thị trường minh bạch, an toàn.
Ông Châu cũng kiến nghị thực hiện phổ biến phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch; xem xét chấp thuận ý kiến của UBND TP.HCM về việc áp dụng phương pháp sớm điều chỉnh biến động giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với tất cả dự án nhà ở thương mại.
Đại diện HoREA đề nghị thực hiện cơ chế hoán đổi các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại; sửa đổi luật để bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng khác không phải đất ở.