Vào trung tuần tháng 5/2023, Tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới – Boeing – đã chính thức mở văn phòng thường trực tại Hà Nội. Theo chia sẻ của ông Michael Nguyễn, Giám đốc Boeing Việt Nam, Văn phòng Boeing ở Hà Nội sẽ đóng vai trò là trung tâm hợp tác, kết nối các đối tác nhằm hỗ trợ Boeing triển khai các kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam.
“Nếu Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng, môi trường đầu tư hợp lý và sự quan tâm của Chính phủ, Việt Nam sẽ là thị trường rất tiềm năng. Boeing muốn theo gương Samsung hay Intel… tìm kiếm thêm các nhà cung ứng tại Việt Nam”, ông Michael bày tỏ.
Cũng giống như Boeing, AEON Việt Nam cũng xác định Việt Nam là thị trường đầu tư trọng điểm, chỉ sau Nhật Bản trong chiến lược phát triển những năm tới.
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban Giám đốc điều hành của Tập đoàn AEON phụ trách thị trường Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, cho biết dù Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ mở thêm các trung tâm mua sắm, AEON vẫn đang nỗ lực hướng tới mục tiêu 16 trung tâm mua sắm vào năm 2025, bao gồm cả trung tâm mua sắm quy mô lớn và quy mô vừa.
Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng
“Trong 3-5 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc mở các trung tâm mua sắm quy mô lớn. Cùng với đó, để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng sau đại dịch về ưu tiên sự tiện lợi, chúng tôi sẽ phát triển đa dạng mô hình kinh doanh, linh hoạt về quy mô, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương, ví dụ như: trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, siêu thị cỡ vừa, siêu thị cỡ nhỏ. Từ đó, chúng tôi cũng có thể tăng tốc việc mở mới cửa hàng, đem đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cho người dân địa phương”, ông Furusawa cho biết.
Theo đó, riêng trong năm 2023, AEON sẽ triển khai thử nghiệm 2-3 siêu thị quy mô vừa tại các tỉnh thành phía Nam, với diện tích dao động từ 1.000 đến 5.000 m2 cùng với việc tiếp tục tập trung phát triển tại Hà Nội và khu vực miền Trung.
Cũng xác định Việt Nam là thị trường ưu tiên đầu tư, Ngân hàng UOB của Singapore cũng hoàn tất mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, bên cạnh thị trường Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Với thương vụ này, UOB có thể tiếp cận khoảng 200.000 khách hàng, từ đó nâng doanh số cho ngân hàng thông qua hoạt động phát hành thẻ, cho vay và tiền gửi…
Điều đáng nói, cùng với việc mua lại mảng tiêu dùng của Citigroup, UOB cũng đẩy mạnh hợp tác với các nhãn hàng như Vietnam Airlines, Lazada, Shopee, Starbucks, CGV, Be, GrabFood… để hướng tới phục vụ tốt hơn các khách hàng cá nhân tại Việt Nam.
“Sự hợp tác với Vietnam Airlines nhằm mở rộng hệ sinh thái đối tác của UOB để phục vụ khách hàng tốt hơn. Đồng thời, sự hợp tác này nhằm hướng tới việc nắm bắt nhu cầu du lịch trong nước và xuyên biên giới ngày càng tăng, đặc biệt là trong mùa hè sắp tới”, ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết.
Việt Nam là thị trường hấp dẫn
Về lý do mở rộng kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam, ông Furusawa Yasuyuki cho biết dù tình hình thế giới có nhiều thách thức và môi trường đầu tư tại Việt Nam đôi lúc có sự thay đổi, nhưng “nhìn chung tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức”.
Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022 được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố giữa tháng 2/2023 cũng cho thấy những đánh giá tích cực của nhà đầu tư nước này về triển vọng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Khoảng 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN và xét theo khu vực chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản dự tính mở rộng kinh doanh từ kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam”, báo cáo cho biết.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng tăng trưởng tiếp tục là những nhân tố thúc đẩy nhà đầu tư “rót vốn” vào Việt Nam. Vì vậy, sau 4 tháng đầu năm giảm mạnh, thu hút FDI 5 tháng đã có sự cải thiện.
Số liệu thống kê tính đến 20/4/2023 cho thấy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ. Dù thu hút vốn FDI vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng đã tăng 10,6 điểm phần trăm so với 4 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, dù thu hút FDI 5 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ song mức giảm đã được thu hẹp khi vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, có 962 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 66,4% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD (tăng 27,8% so với cùng kỳ) và 1.278 giao dịch góp vốn mua cổ phần (giảm 5,6% so với cùng kỳ) nhưng tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD (tăng 67,2% so với cùng kỳ).
Sở dĩ vốn đầu tư mới tăng mạnh hơn so với mức tăng trong 4 tháng đầu năm là do các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam nên tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới. Điều này thể hiện rõ ở con số các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng.
Cũng bởi không có dự án điều chỉnh vốn lớn nên vốn đầu tư điều chỉnh vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ (giảm 59,4%). Tuy vậy, mức giảm đã được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm khi các nhà đầu tư vẫn tiếp tục rót vốn vào Việt Nam. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ) thay vì tăng 19,5% trong 4 tháng, tăng 2,6% trong 3 tháng và giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm...