TAND tỉnh An Giang vừa đưa ra xét xử vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm cháy nổ giữa Công ty Đ. và Tổng công ty bảo hiểm B.
Công ty bảo hiểm từ chối bồi thường
Theo hồ sơ, ngày 13/5/2019, Công ty Đ. và Công ty bảo hiểm B. ký hợp đồng Bảo hiểm thỏa thuận và các rủi ro đặc biệt gồm bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, trị giá là 48,3 tỷ đồng. Cùng ngày, khách hàng được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm. Công ty Đ. trả phí bảo hiểm hơn 79,7 triệu đồng.
Vào ngày 23/7/2017 xảy ra sự kiện bảo hiểm. Theo đó, khoảng 16h cùng ngày có xảy ra mưa to, gió lớn gây lốc xoáy làm hư hỏng các vách tôn, mái tôn, khung sắt của nhà kho, xưởng. Công ty Đ. gửi thông báo đến công ty bảo hiểm.
Sau khi cử giám định viên xuống hiện trường, kiểm tra hợp đồng và xác định phạm vi bảo hiểm, ngày 5/8/2019, Công ty bảo hiểm gửi thông báo cho khách hàng thể hiện: sự kiện trên không thuộc phạm vi bảo hiểm, do phạm vi bảo hiểm là rủi ro A (cháy, sét, nổ), rủi ro B (nổ). Trong khi đó, nguyên nhân tổn thất được xác định là do mưa to, gió lớn gây lốc xoáy. Đồng nghĩa với việc công ty bảo hiểm từ chối bồi thường thiệt hại.
Công ty Đ. lập vi bằng xác nhận “vào rạng sáng 23/7/2019, tại công ty bị sự cố do gió lốc làm tốc mái tôn và gãy các trụ sắt ở các nhà kho gây thiệt hại ước tính hơn 1 tỷ đồng”.
Công ty Đ. tiếp tục khiếu kiện, yêu cầu được bồi thường bảo hiểm hơn 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng công ty bảo hiểm B. xác nhận, tổn thất không thuộc phạm vi bảo hiểm.
Do đó, Công ty Đ. khởi kiện ra tòa án. Cuối năm 2022, tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện nên Công ty Đ. tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Tư vấn mập mờ, điều khoản nhập nhằng
Theo Công ty Đ., phía bảo hiểm không tư vấn đầy đủ rõ ràng, không ghi cụ thể các rủi ro đặc biệt nào được bảo hiểm, rủi ro nào không. Hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm không trùng khớp; không cung cấp Quy tắc bảo hiểm nên không biết có bao nhiêu rủi ro trong Quy tắc để biết rủi ro nào cần mua, rủi ro nào không cần mua để bảo vệ tài sản. Do đó, công ty bảo hiểm đã vi phạm Luật kinh doanh bảo hiểm.
Để có căn cứ giải quyết vụ án, trước đó, TAND TP Long Xuyên, tỉnh An Giang có quyết định chỉ định trưng cầu giám định ngày 20/5/2021 thể hiện, tổn thất của Công ty Đ. là hơn 1,7 tỷ đồng.
Theo tòa phúc thẩm, trong Quy tắc bảo hiểm có 10 rủi ro gồm A: Cháy; B: Nổ; C: Máy bay rơi; D: Gây rối, đình công, bế xưởng; E: Thiệt hại do hành động ác ý; F: Động đất hay núi lửa phun; G: Giông và bão; H: Giông, bão, lụt; I: Tràn nước từ các bể và thiết bị chứa nước hay đường dẫn ống nước; J: Đâm va do xe cơ giới hay động vật.
Phía Công ty bảo hiểm xác định, phạm vi bảo hiểm bắt buộc là cháy, nổ tuân thủ Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018. Còn bảo hiểm tự nguyện tuân thủ theo Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt ban hành kèm theo Quyết định số 268 ngày 16/9/2016 của Tổng công ty.
Tuy nhiên, nội dung bảo hiểm cháy, nổ theo Quy tắc bảo hiểm rộng hơn bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Nghị định 23 của Chính phủ.
Tòa án xác định, Công ty Đ. mua bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện cùng rủi ro là “cháy và nổ” là không phù hợp với tên hợp đồng là “Bảo hiểm thỏa thuận các rủi ro đặc biệt” và không phù hợp với thực tế.
Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định, hợp đồng bảo hiểm phải có phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm (khoản d) và điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (khoản đ).
Tuy nhiên, hợp đồng bảo hiểm không có nội dung điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, vì Quy tắc bảo hiểm của Tổng công ty B. có 10 rủi ro nhưng nhận bảo hiểm có 2 rủi ro (cháy, nổ). 8 rủi ro không được nêu vào điều, khoản loại trừ trong hợp đồng là không đúng quy định của pháp luật (khoản 2, Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000).
Mặt khác, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 13/5/2019 thể hiện: “Đơn bảo hiểm áp dụng những rủi ro được bảo hiểm: Tuân thủ Nghị định 23/2018…”. Như vậy, giấy chứng nhận bảo hiểm không có nội dung tuân thủ theo Quy tắc bảo hiểm kèm theo Quyết định số 268. Vì vậy, khách hàng cho rằng các rủi ro đặc biệt không được ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm đều được bảo hiểm (bao gồm giông, bão).
Tại tòa, công ty bảo hiểm cho rằng, giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ là thủ tục mang tính đối phó với cơ quan có thẩm quyền khi có kiểm tra.
Tòa án phản bác vì ý kiến này không đúng quy định pháp luật. Bởi lẽ, theo Quy tắc bảo hiểm thì đảm bảo điều kiện chung về tính đồng nhất. Tức là Quy tắc bảo hiểm cũng như giấy chứng nhận và các mô tả phải được coi là một hợp đồng bảo hiểm…
Hợp đồng bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm không đồng nhất, hơn nữa công ty Bảo hiểm không cung cấp Quy tắc bảo hiểm, không giải thích về Quy tắc bảo hiểm cho khách hàng. Công ty Đ. không thể hiểu được, biết được thế nào là rủi ro đặc biệt để mua bảo hiểm tự nguyện cho phù hợp với loại hình kinh doanh của mình và biết được để bảo vệ quyền, lợi ích cho mình.
Tại tòa, Công ty bảo hiểm không chứng minh được đã giải thích và cung cấp Quy tắc bảo hiểm cho khách hàng là vi phạm điểm a điểm b khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm.
Tòa án xác định, công ty bảo hiểm là đơn vị kinh doanh bảo hiểm, là bên soạn thảo hợp đồng nhưng nội dung hợp đồng ghi không đầy đủ, Hợp đồng bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm không đồng nhất; không cung cấp Quy tắc bảo hiểm dẫn đến người mua bảo hiểm thiếu thông tin nên không hiểu, không biết các rủi ro đặc biệt cần phải mua, đây là lỗi của công ty Bảo hiểm.
Với các chứng cứ trên, tòa án buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường số tiền hơn 1,7 tỷ đồng cho khách hàng. Công ty bảo hiểm cũng phải chịu chi phí giám định tổn thất là 55 triệu đồng.