Thương mại điện tử Việt Nam cán mốc 35 tỷ USD vào năm 2025
Sáng 6/10, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (IDEA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức Hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội cho biết: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã thành công trong đại dịch nhờ mạnh dạn chuyển đổi phương thức kinh doanh thích ứng với thời đại mới, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ có sự nhạy bén kịp thời bắt kịp xu hướng phát triển thương mại điện tử.
"Để có thể tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần phải có hiểu biết rất rõ về các quy định, quy luật, hợp tác quốc tế, logistics, thanh toán quốc tế… Công tác này cần có thời gian và sự chuẩn bị chu đáo", bà Mai Anh nhấn mạnh.
Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương nhận định, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.385 tỷ USD vào năm 2025. Ở trong nước, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD; quy mô thị trường B2C thương mại điện tử ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dự báo giai đoạn 2022-2025 thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo dự báo của Amazon Global Selling, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C của người bán tại Việt Nam ước tính đạt 75,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và có thể đạt 256,1 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới.
Ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, thực tế trong thời gian đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng trưởng doanh thu 40-50% khi biết tiếp cận thị trường thương mại điện tử trong thời gian qua. Trong đó ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, nhất là các sản phẩm như sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ....
Ông Mạc Quốc Anh cũng cho biết, theo thống kê hiện mới chỉ có khoảng 26-30% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi con số này tại Thái Lan và Indonesia là hơn 40%. Chính vì thế, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để thay đổi, chiếm lĩnh được thị trường thương mại điện tử hàng tỷ đôla tiềm năng này.
Những lưu ý khi xuất khẩu hàng vào Mỹ qua thương mại điện tử
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Hoàng Việt Trang - Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của Amazon, năm 2022 thương mại điện tử sẽ tăng trưởng gấp 6 lần tốc độ bán hàng tại cửa hàng.
Bà Trang đưa ra ví dụ, với mô hình xuất khẩu truyền thống, một sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng cuối cùng, phải qua rất nhiều khâu, bắt đầu từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu - nhà nhập khẩu - đơn vị bán sỉ - bán lẻ, cuối cùng mới đến tay khách hàng. Nhưng với thương mại điện tử, sản phẩm đến tay người tiêu dùng chỉ cần từ cần nhà sản xuất và qua một trung gian là đơn vị cung cấp dịch vụ. Điều này chứng tỏ thương mại điện tử đã giúp rút ngắn thời gian tối đa, tối ưu hóa phản hồi của khách hàng với các sản phẩm của nhà cung cấp.
Bà Trang cũng đưa ra một số gợi ý rất hữu ích của thị trường Mỹ đối với các nhà sản xuất tại Việt Nam. Hiện theo thống kê, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre, bèo, cói trang trí nhà cửa rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. Hoặc sản phẩm mi giả được làm handmade tại Việt Nam. Tất cả những sản phẩm này đều xuất phát từ các doanh nghiệp nhỏ đến rất nhỏ, từ các làng nghề Việt Nam.
Bên cạnh đó, mặt hàng may mặc của Việt Nam cũng được ưa chuộng tại thị trường Mỹ.
Câu chuyện làm sao để bắt đầu bán hàng trên Amazon cũng như thâm nhập vào thị trường lớn như Mỹ cũng được rất nhiều các doanh nghiệp quan tâm. Bà Trang cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Bà Trang đưa ra một ví dụ cụ thể, với các doanh nghiệp may mặc, cần tìm hiểu kỹ thị hiếu của người Mỹ, họ thường chuộng các sản phẩm đơn giản, không cầu kỳ (ít chi tiết ren, bèo nhún…) và chú trọng chất lượng vải, đường may…
Thứ hai là cần xem xét yêu cầu ngành hàng, sản phẩm, lợi điểm bán hàng khi lựa chọn. Ví dụ các đồ handmade, thú bông móc bằng tay của Việt Nam đang được ưa chuộng tại thị trường này. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cần hết sức chú ý yếu tố an toàn sản phẩm do phía Mỹ có những yêu cầu an toàn nghiêm ngặt về sản phẩm cho trẻ em.
Tận hưởng ưu thế ngành hàng và thuế xuất để đưa hàng vào Mỹ
Ông Vũ Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sunhouse cho biết, sau gần 1 năm phát triển hệ thống thương mại điện tử với Amazon vào thị trường Mỹ, Sunhouse đã rút ra hai bài học kinh nghiệm chính.
Thứ nhất là các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường vào Mỹ cần tìm hiểu rõ ngành nào, nhóm sản phẩm nào phù hợp để đưa vào Amazon. Ông Vũ Thanh Hải cho rằng, hiện nay có 2 nhóm ngành đó là hàng may mặc và thủ công mỹ nghệ là những mặt hàng chúng ta có lợi thế sẵn có về nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công hơn các nước khác, có thể tiếp tục phát triển để đẩy mạnh vào Mỹ.
Thứ hai là hàng có lợi thế về thuế xuất. Ông Hải phân tích lý do vì sao trong gần 2.000 sản phẩm của tập đoàn, nhưng Sunhouse chỉ chọn 4 sản phẩm trong số đó để tấn công vào thị trường Mỹ qua kênh Amazon. Doanh nghiệp phải biết được mặt hàng đó có được hưởng ưu đãi về thuế xuất khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ hay không, cụ thể chính là chênh lệch thuế xuất giữa hàng cùng chủng loại giữa Trung Quốc và Mỹ, giữa Việt Nam và Mỹ là bao nhiêu? Bởi nếu tính bình quân về giá thành sản xuất, chúng ta không thể cạnh tranh được với hàng đến từ Trung Quốc. Chính vì thế, doanh nghiệp cần chọn mặt hàng nào mà thuế xuất Trung Quốc vào Mỹ cao hơn thuế xuất Việt Nam vào Mỹ khoảng 10% mới cạnh tranh được.
Sunhouse đã chọn 4 sản phẩm mà thuế xuất của Việt Nam vào Mỹ có khoảng 3%, trong khi đí sản phẩm tương tự của Trung Quốc thuế xuất vào Mỹ phải chịu tới 18%. Có như vậy các doanh nghiệp Việt Nam mới cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc. Đây cũng là một trong những yếu tố “sống còn” của các doanh nghiệp nếu như muốn cạnh tranh và giành thị phần tại một thị trường lớn và rộng mở như Mỹ.