“Nếu tình hình lạm phát ở Mỹ và châu Âu cứ tiếp diễn thế này, đơn hàng không có, doanh nghiệp của tôi có thể chỉ trụ được 1-2 tháng nữa”, ông Lưu Văn Trường, Giám đốc Công ty gỗ Vĩnh Đạt (tỉnh Bình Dương), chia sẻ với Zing.
Vĩnh Đạt vốn là một công ty có tiếng trong làng sản xuất gỗ Bình Dương, trung bình xuất khẩu đều đặn khoảng 40-50 container đồ gỗ sang Mỹ và EU mỗi tháng, có hàng trăm công nhân liên tục phải tăng ca. Tuy vậy, từ nhiều tháng nay, doanh nghiệp rơi vào cảnh "đói" đơn hàng, thậm chí 2 tháng nay chỉ xuất được bằng một phần 10 trung bình trước kia.
Tình hình tiêu cực của lạm phát trên thế giới đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến không nghỉ ngành gỗ, mà cả ngành dệt may, da giày..., khiến đơn hàng xuất khẩu những ngành này của Việt Nam đang giảm sút. Theo ông Trường, khoảng một nửa số doanh nghiệp gỗ vừa và nhỏ tại Bình Dương đã phải đóng cửa trong nửa đầu năm 2022.
Hai lỗi lo từ lạm phát toàn cầu
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam tỏ ra hụt hơi trước sức ép quá lớn từ lạm phát tại Mỹ và châu Âu. Một mặt, lạm phát thế giới tăng cao khiến nhu cầu suy giảm, đơn hàng ít đi. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, phí vận chuyển cao kỷ lục, doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Đặc biệt với đơn hàng đã ký từ lâu, doanh nghiệp gần như chấp nhận lỗ nếu đối tác không hỗ trợ bởi giá cả lên quá cao.
Nếu tình hình lạm phát ở Mỹ và châu Âu cứ tiếp diễn thế này, đơn hàng không có, doanh nghiệp của tôi có thể chỉ trụ được 1-2 tháng nữa
Ông Lưu Văn Trường, Giám đốc Công ty gỗ Vĩnh Đạt (tỉnh Bình Dương)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 thị trường chính chiếm tỷ trọng cao của ngành gỗ là Mỹ và châu Âu có giá trị xuất khẩu không quá khả quan. Thị trường Mỹ đạt giá trị xuất khẩu trên 5,84 tỷ USD , giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại châu Âu, giá trị xuất khẩu đạt 726 triệu USD và tăng trưởng rất ít, chỉ 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Với đà suy giảm này, 80% số doanh nghiệp ngành gỗ sẽ có doanh thu giảm trong năm 2022 dựa trên khảo sát của VIFOREST và Forest Trends.
Không chỉ với ngành gỗ và lâm sản, các doanh nghiệp xuất khẩu da, giày, túi xách cũng đang dần chịu áp lực từ lạm phát tại các quốc gia bên kia bán cầu.
Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết hiện nguồn nhiên vật liệu và chi phí logistic tăng cao khiến giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp bị đẩy theo. Các doanh nghiệp đang rất lo lắng và sản xuất cầm chừng lại.
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da, giày, túi xách tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, đó chủ yếu là các đơn hàng đã ký từ cuối năm 2021. Còn lại những đơn hàng đang đàm phán cho cuối năm nay và đầu năm sau gặp rất nhiều khó khăn.
“Các đơn hàng đã sản xuất không chịu ảnh hưởng của lạm phát vì chúng tôi đã ký hợp đồng từ trước đó. Tuy nhiên, từ đầu quý IV đến quý I/2023, các khách hàng sẽ điều chỉnh về giá và khi đó, các doanh nghiệp mới thực sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, bà Phan Thị Thanh Xuân, chia sẻ với Zing.
Theo CNBC, mức lạm phát kỷ lục tại Mỹ đã ảnh hưởng tới mọi người lao động dù thu nhập cao hay thấp. Theo một cuộc khảo sát, 61% người Mỹ, tương đương khoảng 157 triệu người trưởng thành, đang rơi vào tình cảnh làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - chỉ số được Bộ Thương mại Mỹ công bố - cũng tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu về tiêu dùng suy giảm nhanh chóng.
Doanh nghiệp sản xuất Việt tìm đủ cách xoay xở
“Phía đối tác tại Mỹ và EU đồng ý hỗ trợ 5% giá trị đơn hàng để giúp chúng tôi bù lại mức giá đầu vào leo thang, nhưng con số đó như muối bỏ bể”, ông Trường cho biết.
Nhiều doanh nghiệp xác định không thể thụ động dựa dẫm vào các đối tác nước ngoài hoặc chờ đợi lạm phát đi xuống. Nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp chủ động đưa ra để xoay xở trong thời kỳ khó khăn này.
Theo khảo sát của VIFOREST và Forest Trends, giảm quy mô sản xuất đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp ngành gỗ lựa chọn nhất.
Cụ thể ở giải pháp này, người lao động sẽ được nghỉ ngày thứ 7, không tăng ca và chỉ làm 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần. Hoạt động sản xuất cũng sẽ được sắp xếp tinh gọn để giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Cũng trong khảo sát trên, việc chuyển hướng sản xuất cho thị trường nội địa là giải pháp được ít doanh nghiệp gỗ lựa chọn nhất. Nhiều chủ doanh nghiệp đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành chính sách miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu bị chịu ảnh hưởng của lạm phát.
Trao đổi với Zing, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết đã trình Bộ Tài chính xem xét bỏ quy định nộp thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn sau như quy định. Tuy nhiên, kiến nghị này đã bị Bộ Tài chính bác bỏ từ tháng 9 năm ngoái.
Ngoài ra, VITAS cũng kiến nghị Chính phủ bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho việc sản xuất hàng hóa để xuất khẩu.
Nếu các loại thuế phí được cắt giảm, giá thành của sản phẩm cũng sẽ được hạ xuống, mặt hàng từ đó sẽ dễ tiếp cận khách hàng hơn trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan chức năng có thể tinh giản các quy định, thủ tục về xuất khẩu.
Theo anh Trường, để xuất khẩu một container gỗ cũng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hải quan. Sau khi phía cảng xuất hóa đơn, nếu phía doanh nghiệp chỉ chậm thanh toán một giờ đồng hồ là chuyến hàng sẽ bị hủy. Nhiều công ty còn phải chuẩn bị sẵn 5 tài khoản ngân hàng để tránh tình trạng chuyển tiền chậm.
Thế khó để giữ chân người lao động
“Tôi tháng nào cũng phải bù lỗ cho doanh nghiệp. Nhiều hạng mục bất động sản của công ty đã phải bán đi. Doanh nghiệp có thể khó khăn nhưng chưa có công nhân nào tại công ty phải nghỉ việc”, chủ doanh nghiệp gỗ Vĩnh Đạt chia sẻ.
Vị này cho biết công ty có thể tổn thất về doanh thu nhưng quyết không để mất mát về nhân lực.
“Đơn hàng có thể giảm, thị trường có thể đi xuống nhưng đời sống của công nhân viên luôn phải được ưu tiên hàng đầu. Doanh nghiệp không vì lạm phát mà sa thải người lao động”, Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cũng chia sẻ.
Dệt may và da giày là 2 ngành sử dụng nhiều lao động nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, cả 2 ngành trên đều đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm người lao động.
Mặc dù lạm phát tại Mỹ và EU ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp dệt may và da giày vẫn có những chính sách phúc lợi hấp dẫn để thu hút, giữ chân người lao động.
Theo Tổng Thư ký LEFASO Phan Thị Thanh Xuân, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp da, giày, túi xách đã thực hiện việc điều chỉnh, tăng lương cho công nhân viên. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về nhà ở, bảo hiểm xã hội... đều được các doanh nghiệp đảm bảo.
Bà cũng cho rằng tuy toàn ngành đang gặp những khó khăn nhất thời nhưng tiềm năng và cơ hội của ngành vẫn là rất lớn. Trong thời điểm khó khăn như dịch COVID-19, các doanh nghiệp da giày vẫn có được những đơn hàng tốt và tạo dựng được sự uy tín trong lòng khách hàng.
Nguồn lao động ngày càng hạn hẹp khiến cho doanh nghiệp rất vất vả trong việc tìm kiếm nhân lực. Tuy nhiên trong thời điểm lạm phát như hiện tại, lợi nhuận xuất khẩu giảm, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho công nhân viên trở thành một thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
Khó khăn là vậy nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm cách giữ chân những lao động có tay nghề và gắn bó lâu năm.
“Các doanh nghiệp cần phải có những chính sách phúc lợi tốt để giữ chân những người lao động lâu năm và lành nghề. Thị trường lao động đang cạnh tranh rất gay gắt nên doanh nghiệp cần có một tầm nhìn xa hơn cho một tương lai hậu lạm phát”, bà Xuân cho biết.