Trang Politico nhận định, các biện pháp trừng phạt, giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên giảm, cũng như nhu cầu đối với hydrocarbon của Nga giảm do ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, sẽ tác động tiêu cực đến ngân sách của Điện Kremlin trong năm nay và có thể khiến quỹ tài sản quốc gia khổng lồ của nước này bị ảnh hưởng nặng nề.
Doanh thu xuất khẩu dầu khí chiếm 45% ngân sách chính phủ Nga năm ngoái. Bất chấp các lệnh trừng phạt và nỗ lực loại bỏ năng lượng Nga của Mỹ và phương Tây, Nga đã thu về 155 tỷ euro từ hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt trong năm 2022, cao hơn 30% so với năm trước.
Nhưng theo các chuyên gia, “tuần trăng mật lợi nhuận trời cho” của Nga đã kết thúc.
Hôm 10/1, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, thâm hụt ngân sách năm ngoái của nước này là 2,3% GDP, còn trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, kinh tế Nga đang có thặng dư.
Trong dự toán ngân sách chính phủ Nga được đưa ra vào tháng 12/2022, Điện Kremlin dự đoán rằng, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt sẽ giảm 23% trong năm nay.
Nhưng Alexandra Prokopenko - một nhà phân tích độc lập và cựu quan chức ngân hàng trung ương Moscow – cho rằng, con số đó là “rất lạc quan”. Ước tính của riêng bà là những khoản thu đó sẽ giảm khoảng 1/3.
Bà Prokopenko nói: “Rõ ràng là năm nay sẽ khá khó khăn đối với ngân sách Nga. “Nga đã mất thị trường cao cấp [EU] đối với cả dầu mỏ và chủ yếu là khí đốt.”
Xuất khẩu khí đốt tự nhiên chiếm từ 10% đến 15% doanh thu của chính phủ Nga vào năm ngoái, nhưng chúng đã giảm mạnh khi EU cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, trong khi Điện Kremlin cắt giảm dòng chảy khí đốt đến châu Âu, bao gồm cả đường ống dẫn khí dưới biển Nord Stream hiện đã bị hủy hoại.
Do đó, Gazprom vào tuần trước đã công bố rằng, xuất khẩu khí đốt tự nhiên đã giảm mạnh 46% trong năm ngoái.
Georg Zachmann - thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Bruegel - nói: “Bây giờ tôi cho rằng nó đang thực sự bắt đầu gây tổn hại.”
Theo trang Politico, có những dấu hiệu cho thấy Moscow đang cố gắng quay lại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh vào cuối tháng 12/2022 nới lỏng yêu cầu thanh toán khí đốt chỉ bằng đồng rúp cho các quốc gia “không thân thiện”, chủ yếu là EU. Một số quốc gia đã từ chối tuân thủ yêu cầu trước đó, dẫn đến việc giao hàng bị gián đoạn.
Vàng đen
Hoạt động xuất khẩu dầu béo bở hơn của Nga cũng đang bị nghi ngờ.
Janis Kluge - cộng sự cấp cao tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức - cho biết, lệnh cấm gần như hoàn toàn của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bắt đầu từ ngày 5/12/2022 là “biện pháp quan trọng nhất được thực hiện cho đến nay đối với ngân sách của Nga”.
Ông Kluge nói thêm, lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga bắt đầu từ ngày 5/2/2023 sẽ làm tăng thêm điều này.
Theo trang Politico, tác động của kế hoạch áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vẫn chưa rõ ràng, nhưng có những dấu hiệu ban đầu cho thấy, các thương nhân ở các quốc gia không tham gia kế hoạch này, như Trung Quốc, đang lợi dụng chính nó để đổi lấy mức chiết khấu cao hơn.
Theo tổ chức phân tích thị trường và báo giá năng lượng Argus Media, dầu thô Urals của Nga đang giao dịch ở mức 37,9 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent là hơn 80 USD/thùng.
Điện Kremlin đã đáp trả bằng cách cho biết, họ sẽ cấm tất cả hoạt động xuất khẩu dầu thô sang các nước tham gia kế hoạch áp trần giá dầu Nga của G7 từ ngày 1/2/2023, và hạn chế sản lượng ở mức 700.000 thùng/ngày - tương đương 7% sản lượng hàng ngày của Nga.
Nhưng chuyên gia Prokopenko cho biết, Nga chỉ có một đội tàu hạn chế và phải dựa vào các tàu chở dầu của phương Tây để vận chuyển dầu. Bà gọi nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm trừng phạt các quốc gia tham gia kế hoạch của G7 là “hoàn toàn vô ích” vì nhiều điều khoản vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Bà Prokopenko nói: “Moscow không [có] đủ công cụ để trả đũa."
Chuyên gia Kluge cho biết, bức tranh thậm chí còn tồi tệ hơn vì các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, và các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại thì sử dụng ít năng lượng hơn.
Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov cho biết, nền kinh tế nước này ước tính suy giảm 2,7% vào năm 2022, và thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 2% GDP vào năm 2023.
Nhưng theo chuyên gia Kluge, 3% sẽ là con số thực tế hơn.
Ông Kluge cho biết, việc này sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược quân sự của Tổng thống Nga, đồng thời chỉ ra thực tế rằng Điện Kremlin đang tăng chi tiêu quân sự và an ninh nội địa lên 50% trong ngân sách năm nay.
Nhưng điều đó có nghĩa là “sự đánh đổi mạnh mẽ” trong ngân sách, thể hiện qua việc cắt giảm thực tế đối với các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và giáo dục, trong khi chỉ riêng chi tiêu công và cơ sở hạ tầng đã bị cắt giảm 1/5.
Hiện tại, Nga đang rút tiền từ quỹ tài sản chủ quyền trị giá 149 tỷ euro của mình. Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov cho biết dự kiến sẽ rút 29 tỷ USD.
Chuyên gia Kluge dự đoán rằng, quỹ này có thể cạn kiệt “vào năm 2025”.