Các công ty phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm một phương án dự phòng cho vị trí "công xưởng thế giới" của Trung Quốc. Nhiều người gọi chiến lược này là “Trung Quốc +1”, và Ấn Độ đang nỗ lực để đạt được vị thế “+1” đó.
Theo Wall Street Journal, chỉ Ấn Độ mới có lực lượng lao động và thị trường nội địa có quy mô tương đương với Trung Quốc. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ gần đây đã soán ngôi Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Phương Tây coi Ấn Độ là một đối tác tự nhiên, trong khi chính phủ nước này cũng đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Các dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang thay đổi có thể nhìn thấy tại những khu công nghiệp rộng lớn ở Sriperumbudur, một thành phố ở bang Tamil Nadu.
Tại đây, các nhà sản xuất nước ngoài từ lâu đã sản xuất ôtô và thiết bị cho thị trường Ấn Độ. Nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đang đổ về đây, nhằm tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Trung Quốc.
Không muốn bỏ tất cả trứng vào một rổ
Vào năm 2021, Vestas của Đan Mạch, một trong những nhà sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới, đã xây dựng hai nhà máy mới ở Sriperumbudur. Việc Ấn Độ được dự báo sớm trở thành thị trường lớn thứ hai về turbine đã thúc đẩy quyết định mở rộng của Vesta.
Charles McCall, Giám đốc cấp cao của Vestas Assembly India, cho biết đó là một nỗ lực nhằm đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. “Chúng tôi không muốn tất cả trứng đều nằm trong một giỏ ở Trung Quốc”, ông nói. Một số nhà cung cấp của Vesta cũng đang mở rộng sản xuất ở Ấn Độ.
Trung Quốc vẫn vượt mọi quốc gia khác trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, Wall Street Journal cho biết ngày càng có nhiều yếu tố khiến các công ty phải tìm kiếm giải pháp dự phòng, bao gồm chi phí lao động tăng cao, những đợt phong tỏa trong đại dịch Covid-19,...
Trong khi đó, Ấn Độ vẫn phải vượt qua những vấn đề cố hữu khiến họ chỉ có một vị trí nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lực lượng lao động hầu hết vẫn còn nghèo và không có kỹ năng, cơ sở hạ tầng kém phát triển và môi trường kinh doanh, bao gồm cả các quy định, có thể là rào cản. Sản xuất vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với quy mô của nền kinh tế Ấn Độ.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, đất nước này đang đạt được tiến bộ. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu hàng chế tạo của nước này chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc vào năm 2021, nhưng lại vượt qua tất cả thị trường mới nổi khác, ngoại trừ Mexico và Việt Nam.
Theo số liệu của ngân hàng trung ương, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ đạt trung bình 42 tỷ USD hàng năm giai đoạn 2020-2022, tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh đã tăng cường nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Wall Street Journal, Apple là một công ty nổi bật trong ván cược về việc Ấn Độ sẽ là "Trung Quốc tiếp theo".
Trong 15 năm qua, công ty này đã xây dựng một chuỗi cung ứng hiện đại ở Trung Quốc để sản xuất máy tính xách tay, iPhone và phụ kiện. Sự hiện diện của họ đã giúp ích cho toàn bộ lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc.
Apple đã lắp ráp các mẫu iPhone cấp thấp hơn ở Ấn Độ kể từ năm 2017 và bắt đầu sản xuất chiếc iPhone 14 tại đây trong vòng vài tuần sau khi nó được ra mắt. Giới chức Ấn Độ hy vọng sự hiện diện của Apple sẽ lôi kéo nhiều công ty khác đến.
Không những vậy, Ấn Độ đã đạt được tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Vào năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố chương trình “Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ)” nhằm thúc đẩy sản xuất.
Ấn Độ đã số hóa nhiều dịch vụ của chính phủ và tăng tốc xây dựng đường sắt, sân bay, cảng container, cùng nhiều nỗ lực khác.
Trở ngại
Dù hội tụ nhiều yếu tố tiềm năng để thay thế Trung Quốc, Ấn Độ cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết trên con đường trở thành "công xưởng của thế giới", Insider nhận định.
Đối với tất cả tiến bộ này, Wall Street Journal cho rằng vẫn chưa rõ điều đó đã đủ để tạo nên sự khác biệt của Ấn Độ.
Jules Shih, Giám đốc cơ quan xúc tiến thương mại TAITRA của Đài Loan tại Chennai, cho biết việc kinh doanh đã dễ dàng hơn ở Ấn Độ, nhưng ở nhiều khía cạnh, họ vẫn tụt hậu so với các nước khác.
Một số công ty nhận thấy quá trình yêu cầu các ưu đãi liên quan đến sản xuất có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các quan chức và doanh nghiệp địa phương cho biết tình trạng thiếu lao động đang nổi lên ở các trung tâm sản xuất của Ấn Độ. Không giống ở Trung Quốc, nhiều công nhân ở Ấn Độ không muốn di chuyển xa để tìm việc làm.
Trung Quốc khuyến khích các công ty nước ngoài định vị chuỗi cung ứng của họ tại các đặc khu kinh tế, với việc giảm thuế đối với linh kiện và máy móc nhập khẩu.
Ngược lại, “make in India" lại tìm cách thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm sản xuất trong nước bằng cách tăng thuế nhập khẩu. Những mức thuế đó không khuyến khích các ngành công nghiệp nhập khẩu nhiều linh kiện.
Tỷ trọng của ngành sản xuất trong sản lượng kinh tế của Ấn Độ đã thực sự bị thu hẹp kể từ khi "make in India" được triển khai.
Trong khi đó, kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy tạo ra nhiều việc làm được trả lương vừa phải cho lao động nông thôn có trình độ học vấn thấp, đặc biệt là phụ nữ, đòi hỏi phải sản xuất.
Ở Tamil Nadu, kỳ lân Ola Electric là hiện thân của những hy vọng đó. Ấn Độ là thị trường xe môtô hai bánh và xe tay ga lớn nhất thế giới, và Ola đã gây chú ý với những chiếc xe tay ga với màu sắc rực rỡ để phục vụ nhu cầu về xe điện.
Ola đang sản xuất nửa triệu xe tay ga điện mỗi năm từ nhà máy mới của mình. Họ có kế hoạch tăng gấp bốn lần diện tích nhà máy, đồng thời tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất ôtô điện từ đầu năm 2024.
Nhà máy này có lực lượng lao động gần như toàn nữ, từ nhân viên bảo vệ đến công nhân phun sơn, cho đến những người lái thử sản phẩm cuối cùng.
“Ban đầu, cha mẹ của họ do dự khi để họ làm việc trong các nhà máy. Tuy nhiên, tâm lý đó không còn nữa”, Jayaraman G., một lãnh đạo cấp cao của Ola, chia sẻ. Theo ông, tình hình tài chính của gia đình họ đã thay đổi tích cực trong một năm qua.