Theo báo The Star, những người yêu thích sầu riêng Malaysia có thể phải trả nhiều tiền hơn để được thưởng thức loại "trái cây vua" vào mùa thu hoạch tới, dự kiến vào khoảng tháng 5 đến tháng 7.
Nói với tờ này, Phó chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng trái cây Malaysia Francis Hong Sun Ho dự đoán sản lượng thu hoạch sẽ giảm đáng kể sau trận lũ lụt ở Johor (bang lục địa lớn thứ 5 tại Malaysia). Trận lũ được cho là gây ảnh hưởng đáng kể đến nhiều vườn cây ăn trái trong bang miền Nam Malaysia.
Ông Hong Sun Ho cho rằng, trận lũ lần này xảy ra đúng vào mùa ra hoa, đây là thời điểm quan trọng, quyết định nông dân thu được bao nhiêu trái. Ông miêu tả rằng “mưa liên tục, cộng với lũ lụt khiến hoa rụng trước khi kịp đậu trái".
“Một số cây, đặc biệt là những cây chỉ vài năm tuổi, đã không sống sót sau lũ lụt", Phó chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng trái cây Malaysia nói thêm.
Lãnh đạo hội nông dân cho biết Johor là một trong những nơi sản xuất sầu riêng hàng đầu nội địa Malaysai. Ông Hong Sun Ho cho hay, nông dân trồng sầu riêng ở hầu hết các huyện, bao gồm Segamat, Batu Pahat, Kulai và Kota Tinggi, của bang Johor đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
“Chúng tôi dự đoán sản lượng sầu riêng từ Johor sẽ giảm hơn 50% trong năm nay và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá”, Phó chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng trái cây Malaysia Francis Hong Sun Ho nhấn mạnh.
Nông dân Han Chan Yong, người sở hữu một vườn cây ăn trái rộng 2,83 ha ở Chaah, Segamat, cho biết ông dự kiến sẽ chỉ thu hoạch được 1.000 trái vào tháng 6.
“Ban đầu, tôi nghĩ mình có thể đưa ra thị trường 10.000 trái. Tuy nhiên, lũ lụt làm chết khoảng 6 cây của tôi, trong đó có những cây hơn 10 năm tuổi”, người đàn ông 80 tuổi nói.
Giá sầu riêng có thể tăng
Ông Tee Pian Lam, 65 tuổi, nói rằng mặc dù vườn cây ăn trái của ông không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhưng sản lượng của chúng bị ảnh hưởng bởi mùa mưa. “Mùa hoa bắt đầu vào khoảng giữa tháng 2 và đó là lúc chúng tôi gặp mưa lớn gần như mỗi ngày. Điều đó khiến hoa trong vườn của tôi ở Muar và Kota Tinggi bị rụng".
Chính vì vậy, ông tin rằng "sản lượng sầu riêng chắc chắn sẽ rất thấp trong năm nay, vì không chỉ những trang trại bị lũ lụt ảnh hưởng mà những trang trại gặp mưa lớn cũng sẽ bị giảm năng suất".
Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Thương mại và Quốc tế Lim Ban Hong trích dẫn số liệu thống kê cho thấy thương mại Malaysia-Trung Quốc đạt 131,21 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022 – tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc – nhà nhập khẩu sầu riêng lớn nhất – có thể tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để nhập khẩu nhiều trái cây từ Đông Nam Á với chi phí thấp hơn. Thống kê trước đây của hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu sầu riêng tươi so với cùng kỳ năm ngoái tăng 42,7% lên 821.600 tấn trong khi giá trị nhập khẩu tăng 82,4% lên 4,205 tỷ USD.
Con số này đánh dấu mức tăng gấp bốn lần so với năm 2017, với các con số dự kiến sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là khi thực hiện RCEP. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng Malaysia, đây có thể là cơ hội vàng để thu được lợi nhuận cao hơn bằng cách đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan là những đối thủ lớn của sầu riêng Việt Nam. Tại Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) vừa diễn ra, đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu) cho biết tại thị trường này, sầu riêng Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ hai láng giềng Đông Nam Á, do xuất khẩu chính ngạch muộn hơn so với các đối thủ.
Trung Quốc cũng được cho là đang trồng cây sầu riêng của riêng mình, chẳng hạn như ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Hải Nam.
Malaysia tự tin về sầu riêng Musang King
Wong Kah Meng, giám đốc kinh doanh quốc tế cấp cao của Hernan Corporation Sdn Bhd, cho biết tình hình này chưa phải là nguyên nhân gây lo ngại cho các nhà sản xuất sầu riêng trong nước. Phát biểu với MalaysiaNow, ông này cho biết còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào vì nỗ lực sản xuất sầu riêng của Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đầu và sẽ cần thời gian để cho thấy kết quả.
Ông nói, mặc dù Trung Quốc là một quốc gia có bốn mùa, nhưng vẫn có thể sản xuất sầu riêng ở đó vì một số vùng ở phía nam có điều kiện thời tiết nhiệt đới. Trồng và chăm sóc cây sầu riêng không hề đơn giản và cần có những kỹ năng nhất định".
"Thời tiết là yếu tố quan trọng nhất và sẽ mất khoảng bảy năm trước khi có thể nhìn thấy kết quả", lãnh đạo của Hernan Corporation Sdn Bhd nói. "Malaysia có lợi thế về mặt thương hiệu vì sầu riêng Musang King, rất phổ biến ở Trung Quốc, chỉ có thể được sản xuất trong nước (nội địa Malaysia - PV)".