Ngày 3/4, Thủ tướng chính thức phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Đáng chú ý, mức lãi suất cho vay mua và xây nhà ở xã hội cũng thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Thực tế, khoảng gần 10 năm trở lại đây, nhà ở xã hội có giá chỉ bằng một nửa nhà ở thương mại, trở thành sản phẩm được nhiều người dân săn lùng tìm mua. Tuy nhiên, để vay và mua được nhà ở xã hội, người dân, chủ đầu tư phải đáp ứng được những điều kiện nhất định.
Chỉ được vay 1 lần và mua 1 căn hộ
Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/4, người dân thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội có thể đến các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank để thực hiện thủ tục vay với lãi suất 8,2%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm.
Còn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay với lãi suất 8,7%/năm, thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận ban đầu.
Trong đó, mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần để mua một căn hộ. Đồng thời, mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần.
Thời hạn giải ngân của chương trình áp dụng từ nay đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030.
Khi hết thời gian ưu đãi, ngân hàng thương mại và khách hàng sẽ tự thỏa thuận, thống nhất với nhau về lãi suất cho vay để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được xác định rõ tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.
Ngoài 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014, đề án xây 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp của Chính phủ vừa phê duyệt đã bổ sung đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cho người lao động tại đơn vị mình thuê.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tách đối tượng công nhân thành một đối tượng riêng bao gồm công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, có cơ chế chính sách riêng để phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân thuê.
Nhu cầu nhà ở giá rẻ rất lớn
Hiện nay, việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi được thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở, theo đó đối với nhà ở xã hội thì khách hàng cá nhân và chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và hệ thống Ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định.
Tuy nhiên theo báo cáo, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 3.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc cải tạo.
Về giải ngân vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 11/2022, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến nay cả nước đã thực hiện giải ngân 2.695 tỷ đồng cho 10.237 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo...
Dự báo về nhu cầu nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng tính toán giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 2,4 triệu căn; trong đó giai đoạn 2021-2025 khoảng 1,2 triệu căn, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 1,16 triệu căn. Bên cạnh đó, có khoảng 1,2 triệu công nhân trong số 2,7 triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp cũng có nhu cầu về nhà ở.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 18/8/2022, cả nước có khoảng 162.000 hộ cần hỗ trợ về nhà ở, gồm khoảng 75.400 hộ xây dựng mới và 86.600 hộ sửa chữa và cải tạo.
Ngoài ra, số hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở là khoảng 230.000 hộ nghèo; 30.800 hộ nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt, trong đó có 18.800 hộ nghèo có nhu cầu xây dựng mới nhà ở và 12.000 hộ cải tạo nhà ở.