Quy định về mức thu nhập và giá căn nhà ở xã hội đang tạo ra những rào cản cho người thu nhập thấp sở hữu nhà ở.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch G6 cho rằng, theo Tổng Cục Thống kê năm 2021, thu nhập trung bình thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 6 triệu/người/tháng.
Giả sử 1 căn hộ nhà ở xã hội ở các thành phố lớn diện tích trung bình 65m2/căn hộ, giá bán trung bình 17 triệu/m2 thì giá trị bình quân là 1.2 tỷ/căn hộ. Như vậy, người mua nhà phải đáp ứng nhiều tiêu chí tài chính. Đầu tiên, phải khoản tiền tiết kiệm ít nhất 400 triệu đồng tương ứng 30% giá trị căn hộ và 2% kinh phí bảo trì.
Thứ hai, thu nhập trung bình hộ là phải từ 10 triệu/người/tháng trở lên vì giả sử gia đình có 4 thành viên thì tiền thuê nhà cộng với dịch vụ điện, nước khoảng 5 triệu/tháng, tiền học phí và chăm sóc con dao động 5 triệu/bé, tiền ăn uống, sinh hoạt gia đình tối thiểu 10 triệu/tháng… Với mức tiền tiết kiệm 10-15 triệu đồng/tháng, người mua nhà cần 4-6 năm mới sở hữu căn nhà ở xã hội. Trường hợp khách vay 70% giá trị căn hộ 1,2 tỷ đồng. Người mua nhà phải trả mức gốc - lãi trung bình 7,5-12,7 triệu đồng/tháng.
Thế nên, theo ông Quê, việc áp trần dưới mức đóng thuế với đủ điều kiện mua nhà ở xã hội hiện nay là bất hợp lý. Bởi lẽ mức đóng thuế người lao động hiện nay 11 triệu/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu/người/tháng. Trường hợp gia đình có thêm 2 đứa con, tổng thu nhập 30,8 triệu/tháng/hộ 4 người là không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội vì đã đến mức đóng thuế. Trong khi đó với mức thu nhập/hộ gia đình ở mức này khó đủ tiền mua nhà ở xã hội.
Chung quan điểm, ông Đặng Hồng Phúc, nhà đầu tư cá nhân cho rằng, một trong những điều kiện để vay mua nhà ở xã hội, đó là mức lương dưới 11 triệu đồng/tháng (mức miễn thuế thu nhập cá nhân). Giả định kịch bản thu nhập trần 11triệu, chi phí thuê nhà 3 triệu, tiền ăn 3 triệu, không đổ xăng, không ma chay hiếu hỷ, không được chuyển tiền hiếu kính cha mẹ, không bệnh tật, không hội họp bạn bè,... thì dư 5 triệu. Sau 1 năm dư được 60 triệu. Sau 10 năm, tổng tiết kiệm sẽ là 600 triệu đồng. Và người mua không được tăng lương nếu không sẽ “mất lượt” mua nhà ở xã hội.
“Trong thực tế nếu bạn tiêu dùng như người bình thường thì chỉ để dành được 50%, tức số tiền tiết kiệm 300 triệu đồng. Số tiền này chỉ đảm bảo vốn tự có, tương đương 30% giá trị căn hộ trong hợp đồng mua bán”, ông Phúc cho hay.
Một thực trạng khác mà ông Phúc chỉ ra rằng: “Thực tế, nhà ở xã hội sẽ kinh doanh theo suất nội bộ, bán chênh. Mức chênh lên tới 50-100 triệu đồng hoặc có thể hơn. Điều này là trở ngại lớn với người thu nhập thấp.
Dưới góc nhìn nhà đầu tư, một bất cập khác mà ông Phúc chỉ ra, đó là việc mua bán sang nhượng chỉ có thể thực hiện sau 5 năm thanh toán hết tiền, không được thế chấp trong khoản thời gian này trừ mục đích mua chính căn nhà này.
“Giai đoạn 2021, việc thắt chặt công chứng ủy quyền đối nhà ở xã hội khiến hoạt động mua bán trở nên khó khăn hơn. Thế nên, có trường hợp căn nhà ở xã hội đã bán 5 lần nhưng người chủ đầu tiên vẫn phải tham gia ký lại, chưa kể các vấn đề tranh chấp phát sinh”, ông Phúc nói.