Thông thường, Bảo Ngọc, hiện sinh sống ở Vaughan (Canada), sẽ cùng bạn trai dọn dẹp nhà cửa vào mỗi cuối tuần. Nhờ đó, sau những giờ làm việc căng thẳng, họ trở về nhà với tâm trạng thoải mái hơn.
“Bạn trai tôi cũng rất hăng hái giữ không gian sống sạch sẽ. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng dành thời gian cho việc dọn nhà vào ngày nghỉ. Nếu quá bận hoặc mệt mỏi, hai đứa thống nhất chỉ quét và lau nhà thay vì tổng vệ sinh để tránh biến việc dọn dẹp thành gánh nặng”, cô chia sẻ.
Giảm căng thẳng hiệu quả
Bảo Ngọc cho biết từ khi bắt đầu cuộc sống du học cách đây 5 năm, cô mới trở nên yêu thích dọn nhà.
Sống một mình trong căn phòng nhỏ cho phép cô tận hưởng quá trình làm sạch không gian ngắn ngủi, tiện lợi.
Còn trước đó, công việc nhà đối với cô gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chị cả trong gia đình nhiều hơn.
Thời gian gần đây, vào những đêm mất ngủ, Bảo Ngọc cũng tìm đến việc lau dọn nhà cửa để xả stress.
Đầu tiên, cô xếp sắp và cất đồ đạc gọn gàng, sau đó quét rồi lau nhà.
“Vì khi ấy quá tức giận hoặc mệt mỏi, tôi không tận hưởng quá trình thực hiện. Thay vào đó, tôi cặm cụi làm để tận hưởng thành quả nhà cửa thơm tho, sạch sẽ sau đó”, cô nói.
Thục Hạnh (27 tuổi, Hà Nội) cũng coi dọn dẹp nhà cửa như một công cụ giúp cô bớt căng thẳng.
“Những lúc gặp bế tắc hay mệt mỏi trong cuộc sống, tôi sẽ gấp lại tủ quần áo, lau tủ lạnh, hút bụi hoặc thay bộ ga giường mới. Chúng không lập tức giúp tôi giải tỏa tâm trạng. Thế nhưng, khi nhìn thấy ‘thành quả’ gọn gàng, thơm tho và đẹp mắt, tự nhiên những rối ren ban nãy cũng được gỡ bỏ”, cô chia sẻ.
Cô phát hiện mình có sở thích dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc kể từ khi lên Hà Nội sinh sống. Để thỏa đam mê tự bố trí không gian sống theo sở thích, Thục Hạnh quyết định thuê trọ một mình sau khoảng thời gian ở chung với bạn bè.
Chẳng hạn, cô luôn gập theo hình chữ nhật đều nhau hoặc cuộn tròn. Vật dụng như bát đĩa, nồi xoong được xếp ngay ngắn đúng vị trí, thứ tự. Ga giường luôn phẳng phiu, đồ đạc cất gọn trong hộp hoặc tủ.
“Cũng có lúc quá mệt mỏi, tôi thử mặc kệ và để mọi thứ bừa bộn nhưng chỉ được một lúc. Cảm giác ngăn nắp, gọn gàng vẫn thích hơn”, cô chia sẻ.
Dọn dẹp nhà cửa thường được coi là công việc vất vả hơn là thư giãn. Tuy nhiên, thực chất nó là cách giúp giảm căng thẳng tuyệt vời, theo Huffpost.
Trong số 2.000 người trưởng thành được khảo sát bởi công ty Kärcher, cứ 6 trên 10 người cho biết một ngôi nhà sạch sẽ và ngăn nắp sẽ khiến họ ngay lập tức cảm thấy bình tĩnh và bớt căng thẳng hơn.
Theo Healthline, sức khỏe tinh thần có thể cải thiện nhờ việc giữ cho không gian sống ngăn nắp, sạch sẽ. Các nghiên cứu phát hiện rằng một ngôi nhà gọn gàng, không lộn xộn sẽ tác động tích cực đến tâm trạng hàng ngày và khả năng tập trung của mọi người.
“Dọn dẹp nhà cửa có khả năng giải phóng không gian tinh thần và khoảng chú ý của chúng ta”, Tricia Wolanin, nhà tâm lý học lâm sàng, chia sẻ.
Cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần
Làm việc nhà sẽ đem lại cảm giác kiểm soát môi trường xung quanh. Nó cho chúng ta thứ gì đó để kiểm soát, ngay cả những việc nhỏ nhặt như sắp xếp các cuốn sách theo thứ tự màu sắc.
“Khi làm sạch không gian sống, chúng ta đã biết trước kết quả và hiểu làm thế nào để làm được nó. Nó giúp an ủi chúng ta nhiều”, Maggie Vaughan, nhà trị liệu tâm lý ở New York, nói với Huffpost.
Do đó, sau khi giải quyết sự lộn xộn trong nhà, chẳng hạn gấp gọn tủ quần áo, bạn sẽ cảm thấy mình có khả năng giải quyết các vấn đề khác trong cuộc sống.
“Đó là nguyên tắc chung giải quyết được bất kể cơ chế đối phó nào. Sự tự tin giúp con người đối mặt với những thử thách trong cuộc sống mà trước đây tưởng chừng quá khó khăn”, Forrest Talley, nhà tâm lý học lâm sàng tại California (Mỹ), nói.
Bên cạnh đó, khi chà đủ mạnh hoặc hút bụi đủ nhanh, việc làm sạch không gian sống có thể trở thành một bài thể dục nhỏ và mang lại lợi ích sức khỏe.
Cụ thể, ngoài việc giảm hormone gây căng thẳng, dọn dẹp nhà cửa giúp sản xuất endorphin, chất giúp cải thiện tâm trạng và giảm đau tự nhiên của cơ thể.
Kể từ khi đi làm, Uyên Chi, một giáo viên 24 tuổi ở Hà Nội, xem việc dọn dẹp nhà cửa như một hình thức tập thể dục. Cô thừa nhận trước đó, cô khá ngại quét, lau nhà thường xuyên.
Hiện nay, vì đi làm 7h-18h30 hàng ngày và không có nhiều thời gian rảnh đi gym, cô vận động nhẹ nhàng bằng cách quét hoặc hút bụi cả nhà hầu như mỗi tối.
Uyên Chi cho biết việc hình thành thói quen mới cũng có tác động tích cực đến đời sống tinh thần của cô, nhất là sau những giờ dạy mệt mỏi.
“Nhờ dọn nhà, tôi ngủ sâu giấc hơn vào ban đêm. Hơn nữa, khi môi trường xung quanh gọn gàng và ngăn nắp, tôi cảm thấy có thêm tinh thần để làm việc”, cô chia sẻ.
Thay đổi tích cực
Ngoài ra, hình thành thói quen dọn dẹp nhà cửa sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho một người.
Theo Verywell Mind, sự bừa bộn có thể gây ra thêm căng thẳng và lo lắng. Nhưng khi không gian trở nên ngăn nắp, mọi người có cảm giác kiểm soát và tạo ra một môi trường thư giãn hơn, từ đó tập trung vào những vấn đề cấp bách hơn trong cuộc sống.
Với Bảo Ngọc, cô nhận thấy khả năng dọn dẹp của mình tiến bộ dần sau mỗi lần chuyển nhà. Ban đầu, cô chỉ chú ý giữ vật dụng và không gian không bám bụi bẩn.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những chủ cho thuê hoặc bạn cùng nhà khác nhau, cô thích nghi và học hỏi thêm từ họ về cách làm sạch không gian sống.
“Ví dụ, tôi thường chỉ cọ bồn vệ sinh định kỳ, dọn tóc và đánh sàn nhà tắm. Giờ đây, tôi học được rằng phải cọ tường, vòi xịt và khử khuẩn bên ngoài bồn vệ sinh, chưa kể xịt lau gương và cọ bồn rửa mặt”, cô chia sẻ.
Bảo Ngọc kể thêm: “Trước đây, tôi nghĩ mẹ là người dọn nhà kỹ và sạch nhất. Nhưng tới lần về Việt Nam gần đây, tôi lau chùi còn hơn vậy. Mẹ tôi từ đó cũng yên tâm hơn khi biết con gái có ý thức giữ nhà cửa sạch sẽ”.
Còn với Thục Hạnh, cô tự hào rằng mình không bao giờ mất thời gian lục tìm đồ đạc bởi luôn biết món nào đặt ở đâu.
Tuy nhiên, niềm đam mê dọn dẹp đôi lần khiến cô gặp khó khi ở chung nhà với người khác.
Chẳng hạn, cô cảm thấy không thoải mái và từng xảy ra xích mích khi bạn cùng nhà chưa rửa bát, không xếp dép lên kệ hoặc để đồ đạc sai vị trí, khiến không gian chung trở nên bừa bộn.
“Sau những lần đó, tôi thống nhất với những người ở chung, dù ngắn ngày hay dài hạn, rằng hãy cho phép tôi lau chùi và sắp xếp đồ đạc gọn gàng, còn họ chỉ cần giữ gìn sự ngăn nắp ấy”, cô kể lại.
“Một số bạn bè nói rằng tôi ‘không cần khổ như thế bởi có thể thuê người giúp việc mà’. Thế nhưng, đây là sở thích của tôi. Việc dọn dẹp không chỉ khiến nhà cửa sạch đẹp hơn, mà còn khiến tinh thần tôi thực sự thoải mái”, Thục Hạnh chia sẻ.