Trong quý I, kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng của bối cảnh thế giới khiến GDP tăng chậm hơn so với tốc độ hàng năm. Đáng chú ý, 5 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm so với cùng kỳ năm trước (4 trung tâm phát triển công nghiệp là Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc) tăng trưởng âm trong quý I. Đây đều là những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, đặc biệt là công nghiệp cơ khí.
Công nghiệp chế biến, chế tạo - chiếm tới hơn 85% kim ngạch xuất khẩu - đã không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong quý đầu năm - khi sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm mạnh, chỉ số tồn kho toàn ngành tăng cao.
Giải pháp thúc đẩy công nghiệp cơ khí nói riêng, thúc đẩy sản xuất nói chung là bài toán đang được Chính phủ và nhiều địa phương quan tâm, giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2023.
Giải phóng năng lực sản xuất trong nước, cải thiện tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm sản xuất công nghiệp đầu năm 2023, bởi thị trường của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa.
Giá nhiên liệu đầu vào cao, lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ quốc tế vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine đã có những tác động lớn đến thu nhập, dẫn đến xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như EU, Mỹ, từ đó ảnh hưởng mạnh đến các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ các yếu tố bên trong như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất liên quan. Thị trường vốn và tín dụng chưa được khơi thông dẫn đến sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm như đối với một số mặt hàng ôtô, điện tử…
Ông cũng nhấn mạnh doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Trong các phân ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng cũng như đóng góp trong GDP hàng năm lớn nhất, qua đó tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Phần lớn các lĩnh vực quan trọng của kinh tế đất nước trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào khu vực sản xuất. Công nghiệp chế biến chế tạo cũng là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định.
Vị Phó cục trưởng cho rằng cần khẩn trương có những chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp, qua đó giải phóng năng lực sản xuất trong nước, cải thiện tình hình tăng trưởng. Nếu không có những giải pháp trong thời gian sớm nhất, chắc chắn chúng ta sẽ khó có thể đạt được những chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra trong năm nay.
Tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ôtô
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng công nghiệp nói chung và công nghiệp cơ khí vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển và đóng góp vào GDP cả nước năm 2023. Đây cũng là dịp để chúng ta thúc đẩy tăng tỷ trọng nội địa hóa, thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp nội địa, thay vì phụ thuộc phần lớn sản xuất vào các doanh nghiệp FDI.
PGS TS Nguyễn Chí Sáng, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng cho rằng, ngành công nghiệp Việt Nam đã để lỡ nhiều cơ hội cho khối ngoại, phụ thuộc nhập khẩu, trong khi nhiều ngành nghề hoàn toàn có thể tự chế tạo, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa… Ông nhấn mạnh năm nay kinh tế có thể khó khăn hơn, xuất nhập khẩu vẫn có thể đạt trên 700 tỷ USD nhưng vẫn phụ thuộc tới 75% vào các doanh nghiệp FDI.
Ông cho rằng trong giai đoạn này, Chính phủ cần thúc đẩy phát triển những sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh, những sản phẩm cơ khí lớn như điện gió, đường sắt cao tốc, như là đường sắt giao thông thành phố, hay thiết bị y tế, dây chuyền nhà máy bô xít… “Chúng ta cần có một chiến lược, một lộ trình để làm chủ những thiết bị ấy”, ông nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cần phát huy các lợi thế của Việt Nam để phát triển công nghiệp bền vững. Cụ thể, công nghiệp hóa ở Việt Nam nên kết hợp giữa nông nghiệp và công nghiệp, xây dựng những lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam...
Theo Phó cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành, trong năm nay, để thúc đẩy sản xuất trong nước, đối với ngành thép và ngành cơ khí cần tận dụng các cơ hội từ nguồn vốn đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng để tạo thị trường. Đặc biệt, ông Thành nhấn mạnh đến việc phát triển phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo…
Đối với ngành ôtô, ông Thành cho rằng cần tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ôtô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành và một số địa phương, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính phối hợp nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính cho ngành như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hay ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.