Đó là mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn, đã được tỉnh Đồng Tháp giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) trực tiếp khai thác trong một năm. Đơn vị này chính thức nhận bàn giao và tiến hành khai thác vào ngày 20/9/2023.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, để triển khai việc giao mỏ theo cơ chế đặc thù chưa có tiền lệ này, tỉnh đã phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan trong tinh thần khẩn trương để bảo đảm đúng theo quy định; đồng thời giúp địa phương chủ động được nguồn cát phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Đồng Tháp là một trong ba tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (cùng với An Giang và Vĩnh Long) có trữ lượng cát nhiều nhất trong vùng, tập trung chủ yếu ở sông Tiền và sông Hậu. Đồng Tháp đã cấp 14 giấy phép khai thác cát cho các đơn vị với tổng công suất 5,655 triệu m3/năm. Tính đến hết tháng 6/2023, tổng sản lượng cát khai thác của 14 giấy phép này đạt hơn 972.500 m3; tổng trữ lượng cát được phê duyệt còn lại của 14 giấy phép đang khai thác hiện nay là 25,18 triệu m3.
Với số lượng như vậy, tỉnh Đồng Tháp cam kết đáp ứng đủ khối lượng cát cho các dự án cao tốc, trong đó có 7 triệu m3 cát cho dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; tuy nhiên, như đã nói, cái khó và vướng mắc lớn nhất là thủ tục cấp phép giao mỏ cho nhà thầu khai thác, và Đồng Tháp đã đi tiên phong trong việc vận dụng cơ chế đặc thù này.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, vừa qua Bộ Giao thông vận tải và Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), chủ đầu tư đã giới thiệu đơn vị đầu mối đại diện cho các nhà thầu thi công, thực hiện các thủ tục khai thác mỏ cát đắp nền đường cho hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau của tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Và tỉnh đã giao mỏ cát san lấp trên sông Tiền thuộc địa phận xã An Nhơn, huyện Châu Thành có công suất khai thác 550 m3/năm cho CC1 trực tiếp lập thủ tục khai thác, phục vụ công tác thi công các dự án thành phần nói trên.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Tháp cũng lưu ý nhà thầu: Trong quá trình khai thác và cung ứng cát cho hai đoạn tuyến cao tốc, nếu có khó khăn, vướng mắc thì đề nghị CC1 có văn bản gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét theo quy định. Ông Nghĩa cũng yêu cầu Ban Mỹ Thuận thường xuyên theo dõi tiến độ thi công khai thác của CC1 và phải bảo đảm rằng cát được khai thác phục vụ các dự án cao tốc.
Trước đó, ngày 05/9/2023, trong chuyến thị sát, kiểm tra tiến độ các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề nghị trong tháng 9/2023, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long với sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan, phải hoàn thành thủ tục để cung ứng nguồn cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau như đã cam kết. Đồng thời, phó thủ tướng cũng đề nghị các địa phương chủ động xem xét gia hạn, nâng công suất khai thác các mỏ cát trong quy hoạch, khả năng cho phép để phục vụ các công trình cao tốc trọng điểm trong khu vực.
Cũng trong chuyến công tác này, Bộ Giao thông vận tải, trong đoàn tháp tùng phó thủ tướng đã đề nghị tỉnh Đồng Tháp sớm hoàn thiện thủ tục để tiếp tục cung cấp 1,3 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác cho dự án Cần Thơ - Cà Mau, đẩy nhanh thủ tục để các nhà thầu khai thác các mỏ đã giao trong tháng 9 này.
Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, có chiều dài 110,9 km đi qua địa phận 6 tỉnh, thành gồm Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng nhu cầu cát san lấp, đắp nền đường cho dự án khoảng 18,1 triệu m3; trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.
Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cùng với dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, từ ngày khởi công đã có nhiều gói thầu phải tạm dừng hoặc thi công cầm chừng do thiếu hụt trầm trọng nguồn cát, mặc dù tổng trữ lượng các mỏ đã được cấp phép khai thác đạt trên 120 triệu tấn so với tổng nhu cầu khoảng 80 triệu tấn.