Thị trường tiền tệ đã kết thúc tuần giao dịch 18-22/7 với diễn biến bất ngờ trong những phiên cuối tuần. Trong đó, thị trường không chỉ ghi nhận sự đảo chiều của đường cong lãi suất cho vay trên kênh liên ngân hàng mà còn ghi nhận cả sự đảo chiều của dòng tiền từ Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở.
Cụ thể, trong tuần này, dòng tiền Đồng vẫn ghi nhận xu hướng bị NHNN rút khỏi thị trường. Trong đó, cơ quan quản lý tiền tệ đã sử dụng tín phiếu với kỳ hạn 56 ngày để rút 24.150 tỷ đồng khỏi thị trường trong 4/5 phiên giao dịch.
Dù khối lượng tiền bị rút đã giảm mạnh so với những tuần trước đó, tuy nhiên, với việc sử dụng duy nhất tín phiếu kỳ hạn 56 ngày, NHNN đã can thiệp mạnh tay hơn vào việc giảm khối lượng tiền Đồng trên thị trường.
Tiền Đồng được bơm trở lại
Với kỳ hạn kể trên, nhanh nhất phải tới trung tuần tháng 9, hơn 24.000 tỷ đồng kể trên mới có thể quay lại thị trường.
Tuy vẫn ghi nhận xu hướng rút tiền, nhưng diễn biến bất ngờ đã xảy ra trong 2 phiên cuối tuần 21-22/7.
Cụ thể, trong phiên 21/7, NHNN vẫn phát hành tín phiếu kỳ hạn 56 ngày nhưng khối lượng phát hành để rút tiền về đã giảm mạnh xuống còn 150 tỷ đồng (phiên liền trước vẫn rút về 7.000 tỷ). Ở chiều ngược lại, NHNN thực hiện bơm 190,4 tỷ đồng cho 1 thành viên thị trường thông qua chào mua tín phiếu.
Như vậy, đây là phiên giao dịch đầu tiên kể từ ngày 21/6, NHNN mới thực hiện bơm ròng tiền Đồng vào thị trường.
Đến phiên 22/7, giá trị bán tín phiếu của NHNN chính thức về 0 đồng, thay vào đó, kênh mua kỳ hạn 14 ngày được mở lại với giá trị 4.999,9 tỷ đồng, thực hiện với 7 thành viên, lãi suất 2,5%/năm.
Diễn biến này cũng đồng nghĩa với việc NHNN đã chính thức dừng hoạt động rút ròng khối lượng tiền Đồng khỏi thị trường sau 1 tháng liên tục can thiệp. Thay vào đó, cơ quan quản lý tiền tệ đã quay đầu bơm tiền ra để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng có nhu cầu.
Thực tế, trong một tháng trước đó, kênh bơm tiền này vẫn được NHNN duy trì với khối lượng chào mua 5.000 tỷ đồng /ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các thành viên cần thiết. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thành công chỉ vào khoảng 200 tỷ/ngày với một vài thành viên.
Đến ngày 22/7 vừa qua, kênh bơm tiền này của NHNN mới ghi nhận giá trị khớp gần 5.000 tỷ đồng cho thấy nhu cầu thanh khoản đã trở lại với các ngân hàng thương mại.
Đáng chú ý, động thái đảo chiều dòng tiền trên thị trường mở của NHNN kể trên diễn ra trong bối cảnh đường cong lãi suất cho vay trên kênh liên ngân hàng đã đảo chiều.
Cụ thể, nếu như việc rút tiền VNĐ khỏi thị trường của NHNN được thực hiện khi thanh khoản các ngân hàng dư thừa dẫn tới lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng xuống thấp, phổ biến ở mức 0,3-0,5%/năm. Mức lãi suất này thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay bằng tiền USD trên cùng kênh (phổ biến ở mức 1,7%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,8%/năm với kỳ hạn 1 tuần…).
Chính chênh lệch âm giữa lãi suất cho vay USD và VNĐ trên kênh liên ngân hàng đã khiến nhu cầu nắm giữ tiền USD tăng lên trong hệ thống, từ đó tạo áp lực khiến tỷ giá USD/VNĐ tăng cao.
Tuy nhiên, khi NHNN can thiệp mạnh tay hơn vào thị trường tiền tệ, lãi suất cho vay VNĐ trên kênh liên ngân hàng đã tăng vọt trong tuần này, chính thức vượt 1%/năm từ phiên 19/7, áp dụng với kỳ hạn qua đêm.
Đường cong lãi suất đảo chiều
Trong phiên 21/7, khi NHNN đảo chiều dòng tiền trên thị trường mở, kênh cho vay VNĐ liên ngân hàng cũng ghi nhận lãi suất bình quân đạt 2,16%/năm với kỳ hạn qua đêm, chính thức cao hơn lãi suất cho vay USD.
Đến ngày 22/7, lãi suất VNĐ tiếp tục tăng vọt ở các kỳ hạn ngắn, đạt 2,57%/năm với kỳ hạn qua đêm; 2,68%/năm ở kỳ hạn 1 tuần và 2,77%/năm ở kỳ hạn 2 tuần. Trong khi đó, lãi suất cho vay bằng USD với các kỳ hạn tương tự duy trì ở mức 1,72%/năm; 1,85%/năm và 1,98%/năm.
Đây là nguyên nhân chính khiến NHNN đảo chiều dòng tiền trên thị trường mở và quay đầu bơm ròng gần 5.000 tỷ đồng ra thị trường trong phiên cuối tuần vừa qua.
Việc lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng tăng cao hơn lãi suất cho vay bằng tiền USD kể trên cũng đã làm giảm áp lực ngắn hạn đối với tỷ giá USD/VNĐ.
Thực tế, sau khi tăng mạnh trong tuần trước và đầu tuần này, tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh tại thị trường Việt Nam đã giảm mạnh trên cả kênh chính thức và phi chính thức.
Trong đó, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với USD được NHNN niêm yết cuối tuần này ở mức 23.212 đồng/USD, thấp hơn 33 đồng so với đầu tuần.
Trên kênh ngân hàng, Vietcombank đầu tuần này niêm yết giá giao dịch USD ở mức 23.310 - 23.590 đồng/USD (mua vào - bán ra), đến cuối tuần đã điều chỉnh xuống 23.270 - 23.550 đồng/USD, giảm ròng 40 đồng.
Tương tự, tỷ giá quy đổi USD/VNĐ tại BIDV, Agribank đều đã giảm về mức 23.550 đồng/USD, thấp hơn 40-50 đồng so với đầu tuần. Trong khi giá bán USD tại nhóm ngân hàng tư nhân như HDBank, Sacombank, Techcombank, Eximbank… đã giảm 70-90 đồng so với đầu tuần về vùng 23.500 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, sau khi đạt đỉnh 24.680 đồng/USD trong phiên 18/7, giá bán đồng bạc xanh đã giảm liên tục về mức 23.370 đồng/USD hiện tại, thấp hơn 310 đồng so với đầu tuần. Giá mua vào hiện cố định ở mức 24.320 đồng/USD, cũng giảm tương ứng 200 đồng.