Diễn biến trái chiều ở các thị trường tài sản
Sau một đợt tăng mạnh hồi đầu năm, thị trường chứng khoán đã có những dấu hiệu chậm lại. Kết thúc ngày 17/3, VN-Index đóng cửa ở mức 1.045,14 điểm, tăng nhẹ 1,24 điểm so với đầu năm. Thanh khoản bình quân của tuần qua đạt 10.408 tỷ đồng/phiên, vẫn thấp hơn so với mức 10.494 tỷ đồng/phiên hồi tháng 1/2023. Dòng tiền vẫn chưa thực sự tích cực nhập cuộc.
Ở thị trường bất động sản, các báo cáo mới nhất từ batdongsan.com cho thấy, hoạt động mua bán nhà đất chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhu cầu tìm mua địa ốc toàn quốc vẫn thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.
Ở kênh đầu tư vàng, tài sản này gần đây ghi nhận giá liên tục leo dốc. Tính đến chiều ngày 17/03, giá vàng SJC được mua vào với giá 66,45 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 67,15 triệu đồng/lượng (tăng 600 nghìn đồng/lượng so với tuần trước). Ở thị trường quốc tế, giá kim loại quý này đang được giao dịch quanh mức giá 1.930 USD/ounce, tăng hơn 4% so với tuần trước.
Đối với tiền gửi tiết kiệm, từ đầu năm 2023, cuộc đua lãi suất huy động liên tục hạ nhiệt. Đến ngày 18/3 chỉ còn duy nhất ABBank niêm yết lãi suất trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giảm sâu, thậm chí như big4 là Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank còn niêm yết chỉ 5,8%/năm.
Mặc dù lãi suất có dấu hiệu đi xuống song dòng tiền vẫn đang tìm đến kênh này khá nhiều. Cụ thể, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra hồi đầu tháng 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc.
Xu hướng dòng tiền sẽ ra sao sau khi hạ lãi suất?
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, dòng tiền thời gian tới sẽ chủ yếu tìm tới thị trường chứng khoán. Theo đó, xu hướng giảm giá của thị trường cổ phiếu trong năm 2022 phản ánh chưa đúng bản chất nền kinh tế và tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam. Những tháng cuối năm trước đã có một số lo ngại về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp đã được cải thiện.
“Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất nhập đang khẩu ký được rất nhiều đơn hàng. Một số doanh nghiệp ký được các đơn hàng đến cuối năm và các trường hợp này đang tăng lên theo thời gian. Đây là cơ hội để cho sản xuất kinh doanh phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc tiền đổ vào thị trường chứng khoán là chắc chắn”, ông Thịnh đánh giá.
Đối với thị trường bất động sản, chuyên gia cho rằng dòng tiền sẽ vẫn đi vào song không quá lớn. Trong lúc thị trường bất động sản tái cấu trúc, chắc sẽ có nhiều vấn đề biến động.
Ở lớp tài sản phòng thủ, thị trường vàng chỉ tăng lên trong một thời gian ngắn do dòng tiền tìm kênh trú ẩn khi đồng USD và nền tài chính Mỹ có một số biến động. Tuy nhiên, hiện các cơ quan điều hành đã can thiệp, đồng đô la Mỹ sẽ sớm bình ổn, thị trường chứng khoán cũng sẽ nhanh chóng quay về ổn định và tăng trưởng. Điều đó đồng nghĩa với việc, vàng thế giới sẽ xuống giá nhanh chóng và giá kim loại quý này ở Việt Nam cũng sẽ theo đó có những sự điều chỉnh.
Với thị trường tiền gửi, giai đoạn cuối năm 2022, ngành ngân hàng có gặp một số khó khăn về thanh khoản và xuất hiện cuộc đua lãi suất. Điều này dẫn đến tình trạng lạm phát thấp nhưng lãi suất huy động lại tương đối cao. Hiện tại, dù lãi suất huy động đã hạ xuống, song lãi suất tiền gửi vẫn được đảm bảo thực dương. Do đó, kênh gửi tiền cũng vẫn hấp dẫn, việc thu hút được dòng tiền của xã hội vào ngân hàng cũng là điều không quá khó khăn.