Theo Bloomberg, đồng bạc xanh đang có dấu hiệu phục hồi. Tuần vừa qua ghi nhận đà tăng mạnh nhất của USD kể từ sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) hồi tháng 3.
Lần đầu tiên sau 2 tháng, đồng tiền Mỹ được giao dịch trên mức trung bình động 50 ngày. Điều này cho thấy xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Nhưng giới quan sát đặt câu hỏi về tính bền vững của đợt phục hồi này. Đà tăng của USD đã chững lại trong năm nay do ngày càng nhiều dấu hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Điều này có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất, thậm chí bắt đầu cắt giảm sớm hơn dự kiến.
Năm ngoái, các đợt tăng lãi suất dồn dập của Fed đã đẩy USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với những đồng tiền lớn khác trên thế giới - vọt lên mức cao nhất 20 năm. USD thậm chí có lúc đắt hơn euro.
"USD đã bị đè bẹp sau cuộc họp của Fed khi cơ quan này phát đi tín hiệu cho thấy chuẩn bị kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ", ông Edward Moya - chuyên gia thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
USD đã bị đè bẹp sau cuộc họp của Fed khi cơ quan này phát đi tín hiệu cho thấy chuẩn bị kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ
Ông Edward Moya - chuyên gia thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ)
Theo dữ liệu của CME FedWatch Tool, các thị trường đang định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 lên tới 76,3%. Trong khi đó, khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm chỉ là 23,7%.
Nhưng USD hiện đứng trước một thách thức lớn khác. Sự bế tắc trong các thỏa thuận về trần nợ công giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang làm gia tăng rủi ro vỡ nợ của Mỹ. Đây sẽ là rào cản đối với việc mua USD.
Biểu đồ của chuyên gia Jonathan Pain tại Pain Report so sánh chi phí bảo hiểm đối với rủi ro vỡ nợ của Mỹ với một loạt quốc gia được đánh giá tín nhiệm thấp hơn như Mexico, Hy Lạp, Australia, Nam Phi và Colombia. Điều đáng nói là rủi ro vỡ nợ của Mỹ trong năm 2024 đang lớn hơn mọi quốc gia kể trên.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Bloomberg MLIV Pulse với 637 nhà đầu tư, đa số tin rằng sự bế tắc trong các thỏa thuận về trần nợ sẽ tạo sức ép lớn lên đồng bạc xanh.
41% nhà đầu tư tin rằng đồng tiền dự trữ chính của thế giới sẽ gặp rủi ro nếu Mỹ chính thức vỡ nợ.
Các nhà đầu tư đã tính đến kịch bản đồng USD bị bán tháo vì rủi ro vỡ nợ của Mỹ. Trong một cuộc khảo sát trước đó của MLIV Pulse, phần lớn người được hỏi tin rằng USD sẽ chiếm chưa tới 50% dự trữ toàn cầu trong vòng một thập kỷ tới.
Nếu Mỹ vỡ nợ, thậm chí chỉ cần đứng trước nguy cơ vỡ nợ, nền kinh tế sẽ gánh chịu hậu quả lớn. Trở lại cuộc khủng hoảng trần nợ công hồi 2011, thị trường chứng khoán đã mất 17% giá trị trong hơn một năm.
Theo báo cáo của Moody’s, tình trạng bất ổn đã thổi bay 1,2 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,7 điểm phần trăm, nền kinh tế thu hẹp 180 tỷ USD so với kịch bản không có nguy cơ vỡ nợ. Nước này cũng mất xếp hạng tín nhiệm AAA, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới vị thế và danh tiếng của Mỹ trong hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu.