Đồng Yen giảm là một dấu hiệu cho thấy thâm hụt thương mại kinh niên của Nhật Bản và việc nới lỏng tiền tệ đã làm giảm sức hấp dẫn của đồng tiền này đối với các nhà đầu tư e ngại rủi ro.
Cụ thể, đồng nội tệ của Nhật Bản chạm mức 153,80 Yen đổi 1 CHF vào ngày 2/5, mức thấp nhất kể từ khi nhà cung cấp dữ liệu tài chính toàn cầu Refinitiv bắt đầu theo số liệu này vào năm 1982. Tỷ giá này chỉ bằng gần 1/3 tỷ giá tương ứng được ghi nhận vào tháng 9/2000, khi đồng yen đạt mức cao kỷ lục, khoảng 58 Yen/CHF.
Trong khi đó, đồng CHF đang leo lên mức cao nhất trong hơn hai năm so với đồng USD vào ngày 4/5 và hiện đang giao dịch quanh mức 151 yen/CHF.
Cả đồng Yen và đồng CHF từ lâu đã được coi là nơi trú ẩn an toàn. Nhưng đồng tiền của Thụy Sỹ có lợi thế trong môi trường rủi ro hiện tại, ngay cả với tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu.
Daisuke Karakama, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Mizuho cho biết: “Thật khó để đặt đồng yen và đồng Franc Thụy Sỹ ở cùng mức xếp hạng tiền tệ”.
Vào ngày 12/5, đồng Yen đã tăng lên khoảng 134,2 Yen/USD, tăng 3,5 Yen so với mức thấp nhất trong ngắn hạn ghi nhận ngày 2/5. Tuy nhiên, sức mua đồng yen vẫn khác xa so với mức được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2011 đã đẩy đồng yen lên mức cao kỷ lục 75,32 Yen/USD vào tháng 10/2011. Kể từ đó, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Ngược lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản thêm khoảng 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Một trong những chiến lược giao dịch ngoại hối lớn nhất là giao dịch chênh lệch hoặc bán các loại tiền tệ có lãi suất thấp hơn để mua các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn. Do vậy, chính sách nới lỏng tiền tệ tại Nhật Bản đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư có nhiều khả năng bán đồng Yen như một phần của chiến lược này.
Điều đó đã làm đồng Yen suy yếu so với nhiều loại tiền tệ. Chỉ số tiền tệ Nikkei cho thấy đồng yen đã suy yếu 2,5% kể từ cuối năm ngoái, trong khi đồng CHF đã tăng 1,7%.
Sự thay đổi trong hoạt động thương mại cũng đóng một vai trò trong sự suy yếu của đồng yen. Từng là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, Nhật Bản vào năm 2022 đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại kỷ lục 19.900 tỷ Yen (147 tỷ USD) trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.
Ngược lại, Thụy Sỹ ghi nhận mức thặng dư lớn thứ ba thế giới với 42,8 tỷ CHF (47,7 tỷ USD), nhờ các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao như dược phẩm, hóa chất và đồng hồ xa xỉ. Sự phụ thuộc lớn vào điện hạt nhân và thủy điện của Thụy Sỹ giúp nước này ít chịu ảnh hưởng của những biến động về giá năng lượng hơn so với Nhật Bản.
Tohru Sasaki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường Nhật Bản tại ngân hàng JPMorgan Chase, cho biết: “Sức cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản đang giảm dẫn đến chênh lệch tỷ giá hối đoái”.
Sự khác biệt có thể thấy rõ qua việc những chiếc đồng hồ sang trọng của Thụy Sỹ vẫn bán chạy ở Nhật Bản. Giá của một số mẫu đồng hồ Omega Moonwatch trong tháng 2/2023 đã tăng khoảng 30% so với tháng 1/2021. Một nhân viên tại một cửa hàng kinh doanh sản phẩm điện tử ở Tokyo gọi tốc độ tăng giá trong năm 2022 là "chưa từng có".