Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, trong lúc bán tháo đồng yên, thị trường tài chính đã bỏ qua những tín hiệu từ BOJ rằng cơ quan này có thể tăng lãi suất theo nhiều giai đoạn trong những năm sắp tới, với khả năng đợt tăng tiếp theo có thể diễn ra vào mùa thu năm nay.
Phiên giao dịch ngày 1/5 tại thị trường châu Á, đồng yên có lúc giảm quá mức 157,9 yên đổi 1 USD.
Hôm 29/1, đồng yên có lúc giảm tới hơn 160,2 yên đổi 1 USD - mức thấp nhất kể từ năm 1990 - sau đó hồi phục mạnh về mức 154 yên/USD. Diễn biến này làm dấy lên đồn đoán rằng BOJ và Bộ Tài chính Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để vực dậy đồng nội tệ.
Xu hướng mất giá của đồng yên diễn ra song song với đà leo thang của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác có thời điểm tăng gần 0,7% trong phiên đầu tiên của tháng 5, đạt gần 106,5 điểm - rất sát với mức đỉnh của 6 tháng là 106,51 điểm thiết lập hôm 1/11.
Thất bại truyền thông của BOJ?
Một mặt, đồng yên đương đầu với áp lực từ chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản. Mặt khác, đồng USD đang được thúc đẩy bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc cắt giảm lãi suất do nhiều số liệu kinh tế Mỹ công bố gần đây đều “nóng” hơn so với dự báo.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia nói rằng BOJ đã không thể truyền tải một cách hiệu quả dự định chính sách của mình đến thị trường. Trong báo cáo hàng quý cập nhật tại cuộc họp chính sách hôm thứ Sáu tuần vừa rồi và trong các phát biểu của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda, các nhà quan sát đều nhận thấy tín hiệu sẽ có những đợt tăng lãi suất nối tiếp nhau. Tuy nhiên, thông điệp này đã không được thị trường tiếp nhận một cách đầy đủ, dẫn tới việc đồng yên vẫn bị bán tháo. Nguyên nhân có thể nằm ở cách truyền đạt thông tin chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Trong báo cáo hàng quý của BOJ - tài liệu giữ vai trò cơ sở cho chính sách tiền tệ trong dài hạn - cơ quan này dự báo lạm phát sẽ duy trì quanh ngưỡng mục tiêu 2% trong 3 năm tới. Đồng thời, BOJ cho rằng từ khoảng cuối năm 2025 trở đi, tốc độ tăng của giá cả có thể sẽ “ở mức nhìn chung nhất quán” với mục tiêu lạm phát.
Báo cáo này cũng lần đầu tiên đưa ra kết luận rằng BOJ sẽ “điều chỉnh mức độ nới lỏng của chính sách tiền tệ” - chỉ việc tăng lãi suất, theo các nhà quan sát - nếu nền kinh tế và giá cả đáp ứng các dự báo.
“Nói tóm lại, BOJ thực chất đang tuyên bố rằng cơ quan này đang có kế hoạch tăng lãi suất liên tục”, ông Nabuyasu Atago, một cựu quan chức BOJ, nhận định với Reuters. Ông Atago dự báo lần tăng lãi suất tiếp theo của BOJ sẽ diễn ra vào tháng 9. Tại cuộc họp tháng 3, BOJ có đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm, chấm dứt lãi suất âm cuối cùng còn lại trên thế giới.
“Rõ ràng, BOJ đang đặt nền móng cho một tiến trình tăng lãi suất có thể đưa lãi suất ngắn hạn lên ngưỡng khoảng 1% vào cuối năm 2026”, ông Atago - người hiện giữ vai trò nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu kinh tế Rakuten Securities - nhận định.
Do đã kỳ vọng giới chức đưa ra những cảnh báo cứng rắn hơn về sự mất giá của đồng yên, các nhà giao dịch đã phớt lờ khi tín hiệu tăng lãi suất của BOJ không đủ mạnh. Đối mặt với sự thờ ơ như vậy của thị trường, ông Ueda nói rằng BOJ có thể tăng lãi suất kiểu “phủ đầu” nếu xu hướng mất giá của đồng yên tiếp tục khiến lạm phát tăng kéo dài và ảnh hưởng tới hành vi thiết lập tiền lương của doanh nghiệp.
“Sự mất giá gần đây của đồng yên sẽ không bắt đầu ảnh hưởng nhiều tới lạm phát cho tới khoảng mùa thu năm nay”, một nguồn tin gần cận với BOJ tiết lộ về đánh giá của cơ quan này. “Nói cách khác, BOJ đang phát tín hiệu nhiều khả năng đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào khoảng thời gian đó”.
Lãi suất ngắn hạn của BOJ hiện ở mức 0-0,1%. Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư dự báo BOJ tăng lãi suất lên mức 0,2-0,25% trong năm nay, nhưng không đồng nhất về tiến độ tăng lãi suất sau đó.
Vai trò của lãi suất trung tính
Trong một dấu hiệu cho thấy BOJ có thể sẽ không đợi lâu trước khi tiến hành đợt tăng lãi suất tiếp theo, ông Ueda nói ông kỳ vọng lãi suất ngắn hạn sẽ tăng lên gần mức lãi suất trung tính của BOJ. Theo nhiều nhà kinh tế học, lãi suất trung tính của BOJ có thể dao động trong khoảng từ 0,5-1,5%, đạt được trong khoảng từ cuối năm 2025 đến năm 2026.
“Nếu nhìn thẳng vào những gì ông Ueda nói, có thể thấy lãi suất ngắn hạn của BOJ có thể đạt 1% trong nửa sau của năm tài khoá 2025”, chiến lược gia trưởng Naoya Hasegawa của công ty Okasan Securities Research nhận định.
Hiện tại, BOJ không công bố ước tính của cơ quan này về lãi suất trung tính của Nhật Bản. Lãi suất trung tính là mức mà lãi suất chính sách không gây hiệu ứng làm suy giảm hay kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, vào tháng trước, ông Ueda cho biết BOJ sẽ “dần làm sáng tỏ về lãi suất trung tính” trong quá trình nâng lãi suất. Hôm thứ Sáu tuần trước, ông cũng nói BOJ sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng ước tính về lãi suất trung tính - một dấu hiệu cho thấy lãi suất trung tính sẽ không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc xác định tốc độ tăng lãi suất của BOJ trong tương lai, mà còn trong sự truyền đạt triển vọng chính sách tiền tệ của BOJ.
Ông Takahide Kiuchi, một cựu thành viên Hội đồng Thống đốc BOJ cho rằng trong tương lai, cơ quan này có thể công bố ước tính lãi suất trung tính như một cách để định hướng thị trường tài chính về đường đi của lãi suất. “Bất kỳ hướng dẫn nào như vậy cũng có thể đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn tăng lên và hãm bớt đà mất giá của đồng yên. Tuy vậy, đó không phải là một công cụ có thể được sử dụng một cách dễ dàng, bởi lợi suất trái phiếu tăng cũng có thể đẩy cổ phiếu mất giá”, ông Kiuchi nói.
Cách diễn giải thiên mềm mỏng của thị trường về những phát biểu của ông Ueda đã đẩy nhanh sự mất giá của đồng yên trong tuần này, dẫn tới nghi ngờ rằng nhà chức trách Nhật Bản đã có động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ vào hôm thứ Hai. Theo một số chuyên gia, nếu đã có sự can thiệp, thì quy mô của đợt can thiệp này có thể ở mức 35 tỷ USD.
Không có gì đảm bảo rằng nếu BOJ đưa ra những tín hiệu cứng rắn rõ ràng hơn thì áp lực mất giá đồng yên sẽ giảm bớt, xét tới việc đồng tiền này đang đương đầu với sức ép mất giá từ nhiều phía. Tuy nhiên, việc BOJ không truyền tải được đầy đủ thông điệp cứng rắn của mình đã cho thấy thách thức truyền thông mà cơ quan này phải đương đầu trong cuộc chiến chống lại các nhà đầu cơ giá xuống đồng yên, nhất là trong bối cảnh Fed được cho là sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn so với dự kiến.
“Vị Thống đốc có lẽ đã quá thật thà khi giải thích việc đồng yên yếu có thể chỉ khiến lạm phát tăng tốc trong dài hạn”, ông Kiuchi - hiện là một nhà kinh tế học của Viện nghiên cứu Nomura - nhận định. “Lẽ ra, ông ấy phải đưa ra một sự cảnh báo mạnh mẽ hơn để chống lại ảnh hưởng bất lợi đối với tỷ giá đồng yên. Đó là một sai lầm về truyền thông từ phía BOJ”.