Dữ liệu do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố hôm thứ Ba cho thấy chính phủ có khả năng đã can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Theo dữ liệu, BOJ ước tính thanh khoản từ hệ thống tài chính sẽ giảm 7,56 nghìn tỷ yên (48,2 tỷ USD) vào ngày 1/5 do các giao dịch với khu vực chính phủ. Tuần trước, các nhà môi giới tiền tệ dự đoán thanh khoản sẽ sụt giảm khoảng 2 nghìn tỷ yên vào ngày 1/5.
Trong khi đó, lượng giao dịch đạt khoảng 5,5 nghìn tỷ yên, chênh lệch lớn so với dự báo. Yosuke Takahama, giám đốc điều hành tại Central Tanshi, một nhà môi giới tiền tệ, cho biết: “Có khả năng cao là chính phủ đã can thiệp vào thị trường hôm thứ Hai”.
Vào chiều thứ Hai, đồng yên tăng 3,7% so với đồng bạc xanh, sau khi thủng đáy 34 năm, ở mức 160 yên đổi 1 USD vào sáng cùng ngày. Các nhà giao dịch đã phát hiện ra các lệnh mua lớn khiến đồng yên tăng giá sau 1 giờ chiều và tăng tiếp vào khoảng 4 giờ chiều Thứ Hai và 1 giờ sáng Thứ Ba.
Các nhà giao dịch tin rằng Bộ Tài chính Nhật Bản đã tiến hành can thiệp mua hàng chục tỷ USD đồng yên để ngăn chặn đà sụt giảm của đồng tiền Nhật Bản.
BOJ và Bộ Tài chính đã từ chối đưa ra bình luận.
Các quan chức tài chính đôi khi chọn không xác nhận can thiệp đã diễn ra. Bộ Tài chính Nhật Bản thường công bố đợt can thiệp mỗi tháng với độ trễ. Dữ liệu can thiệp hàng ngày được công bố hàng quý.
Soichiro Tateishi, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho biết: “Rất có khả năng các cơ quan tài chính đã tiến hành can thiệp, vì đồng yên tăng tới 6 yên so với đồng đô la Mỹ”.
Takahide Kiuchi, nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura, cũng nhận định rằng đợt tăng giá mạnh hôm thứ Hai cho thấy chính phủ đã can thiệp. Thời điểm này có thể đã được chọn vì “thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ và giao dịch giữa đồng đô la với đồng yên ở thị trường châu Á rất mỏng, vì vậy ngay cả một sự can thiệp tương đối nhỏ cũng có thể tác động đáng kể đến thị trường tiền tệ”, Kiuchi viết trong một báo cáo công bố hôm thứ Ba.
Trong đợt mua đồng yên gần đây nhất vào tháng 9-10/2022, Bộ Tài chính đã chi 9,2 nghìn tỷ yên (ước tính khoảng 62 tỷ USD) cho ba biện pháp can thiệp riêng biệt.
Mặc dù có vẻ như các cơ quan tài chính cuối cùng đã vào cuộc để hỗ trợ đồng yên, nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có thể ngăn chặn xu hướng suy yếu cơ bản của đồng yên hay không. Đồng yên yếu trong thời gian dài là do các yếu tố cơ bản như sự chênh lệch lớn về lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ.
Theo Nikkei Asia, Japan Times