Mới đây, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến DoorDash cho biết họ đang sa thải khoảng 1.250 nhân sự chỉ vài tuần sau khi đưa ra triển vọng lạc quan cho hoạt động kinh doanh của mình. Đây là công ty công nghệ mới nhất tham gia vào làn sóng sa thải hàng loạt trong những tháng gần đây để cắt giảm chi phí.
CEO Tony Xu cho biết việc cắt giảm, tương đương với 6% nhân viên của DoorDash, là thông báo khó khăn nhất trong lịch sử gần 10 năm của công ty.
“Chúng tôi cũng không tránh khỏi những thách thức bên ngoài và tốc độ tăng trưởng giảm dần so với tốc độ tăng trưởng trong thời kỳ đại dịch”, ông viết trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên ngày 30/11.
Theo Wall Street Journal, DoorDash đã nhanh chóng mở rộng đội ngũ nhân viên trong những năm gần đây khi chuyển từ hoạt động giao đồ ăn sang vận chuyển mọi thứ, từ hàng tạp hóa đến đồ uống có cồn trong thời đại dịch. Công ty có tổng cộng hơn 8.600 nhân viên vào đầu năm 2022. Con số này đã tăng hơn gấp đôi lên khoảng 20.000 người sau khi DoorDash mua lại công ty giao đồ ăn châu Âu Wolt Enterprises Oy vào đầu năm nay.
Mặc dù doanh thu của DoorDash tăng trong những quý gần đây nhưng tốc độ tăng trưởng đã hạ nhiệt và công ty vẫn chưa có lãi.
Ảnh: Internet.
Các dấu hiệu bất ổn đối với ngành công nghệ đã lan rộng trong phần lớn năm qua, khi sự bùng nổ của hàng hóa và dịch vụ trực tuyến trong thời kỳ đại dịch nhường chỗ cho lạm phát gia tăng khiến lãi suất tăng và bất ổn kinh tế ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định chi tiêu của người tiêu dùng.
Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư đã trở nên kém lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng của các công ty công nghệ. Bắt đầu từ mùa xuân năm nay, một số công ty đã thông báo đóng băng tuyển dụng và sa thải nhân sự để cắt giảm chi phí.
Nhiều CEO công nghệ dường như đã mất cảnh giác trước tác động của nền kinh tế bất ổn đối với các hoạt động và kế hoạch kinh doanh của họ.
Meta - công ty mẹ của Facebook, đã tuyển dụng rầm rộ khi cuộc sống và hoạt động kinh doanh chuyển sang trực tuyến trong đại dịch. Đồng thời, công ty bắt đầu xây dựng hoạt động kinh doanh xoay quanh dự án metaverse.
Meta đã bổ sung hơn 27.000 nhân viên vào năm 2020 và 2021, sau đó tuyển thêm hơn 15.000 người trong 9 tháng đầu năm nay. Nhưng vài tuần trước, họ tuyên bố sẽ cắt giảm hơn 11.000 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động. Trong khi đó, Snap – chủ sở hữu ứng dụng Snapchat đình đám, cho biết vào tháng 8 rằng họ đã chấm dứt hợp đồng lao động với 20% nhân viên.
Ảnh: Internet.
Trong giai đoạn từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2021, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã thuê tổng cộng hơn 800.000 nhân viên, làm việc hầu hết tại các nhà kho.
Và cũng chỉ cách đây vài tuần, họ đã bắt đầu cắt giảm nhân sự. Tờ Wall Street Journal đưa tin việc này sẽ ảnh hưởng đến 10.000 nhân viên. Andy Jassy - CEO Amazon, cho biết ông không hối tiếc về việc tuyển dụng rầm rộ mà công ty đã thực hiện trong những năm gần đây.
Jassy chia sẻ: “Năm nay, chúng tôi nhận thấy một môi trường kinh tế rất không chắc chắn. Mục tiêu của công ty là đánh giá và tiến hành các hoạt động kinh doanh kỹ lượng hơn để tránh ảnh hưởng đến các kế hoạch ‘dài hạn quan trọng’ khác”.
Trên thực tế, công nghệ không phải lĩnh vực duy nhất chứng kiến làn sóng sa thải. Nhà bán lẻ thời trang nhanh H&M và hãng tin CNN cũng mới thông báo cắt giảm nhân sự vào ngày cuối cùng của tháng 11.
Cũng giống nhiều CEO khác, Tony Xu gửi tới những người bị sa thải lời xin lỗi vì đã tuyển thêm quá nhiều người trong thời gian ngắn. “Lẽ ra tôi phải khắt khe hơn trong việc quản lý sự phát triển nhân sự của công ty. Đó là tại tôi”, Xu chia sẻ.
Trước đó, nhiều nhà sáng lập như Mark Zuckerberg của Meta, Jack Dorsey của Twitter và Sam Bankman-Fried của FTX đã xin lỗi vì đã thuê thêm quá nhiều người vào thời điểm thuận lợi.
Thông báo sa thải hàng loạt của DoorDash đánh dấu một sự đảo ngược so với sự lạc quan của họ chỉ vài tuần trước. Thời điểm đó, công ty cho biết người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu cho dịch vụ giao hàng ngày cả khi các nhà hàng mở cửa trở lại và lạm phát đang khiến họ phải thắt chặt hầu bao.
“Mặc dù công việc kinh doanh tiếp tục phát triển nhanh chóng nhưng với số lượng nhân viên hiện tại, chi phí hoạt động của chúng ta nếu không giảm thì sẽ có xu hướng tăng cao hơn doanh thu”, Xu nói với nhân viên ngày 30/11.
Giá cổ phiếu DoorDash đã tăng hơn 9% sau khi thông báo cắt giảm nhân sự nhưng trong năm nay, giá cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 60%.
Giao hàng vẫn là một hoạt động kinh doanh tốn kém và sử dụng nhiều lao động. Mặc dù DoorDash vẫn tiếp tục mở rộng nhờ tốc độ tăng trưởng vượt bậc do đại dịch gây ra nhưng công ty mới chỉ có lãi trong 1 quý duy nhất là vào những tháng đầu của đại dịch.
Youssef Squali - một nhà phân tích về các doanh nghiệp trực tuyến cho biết: “Các nhà đầu tư muốn sự tăng trưởng chuyển thành lợi nhuận và đó là điều mà nhiều công ty đang cố gắng giải quyết thông qua sa thải hàng loạt”.
Nguồn: WSJ