Nhiều người cảm thấy bất an khi không biết có bị sa thải hay không. Ảnh: Pavel Danilyuk/Pexels.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology, sự bấp bênh trong công việc có thể làm giảm động lực và khả năng tập trung của bạn.
Khi cảm thấy lo lắng liên tục trong môi trường công sở, bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm lý như rối loạn lo âu và trầm cảm.
Nhiều người cho biết họ đặc biệt lo lắng khi công ty bắt đầu thực hiện chính sách tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự. Việc xuất hiện trong danh sách nhân viên bị sa thải trở thành nỗi ám ảnh của họ.
Dưới đây, Psychology Today đã đưa ra 3 phương pháp đối phó với nỗi lo này của bạn.
Chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất là một giải pháp hiệu quả. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels.
Xác định nguyên nhân và chuẩn bị tâm lý
Bước đầu tiên là xác định điều gì đang khiến bạn lo lắng. Việc biết được nguyên nhân có thể giúp bạn lên kế hoạch đối phó trước.
Bạn có thể giải quyết nỗi lo bằng cách chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Social and Personality Psychology Compass, việc rèn luyện tinh thần phản ứng với tình huống xấu có thể giúp bạn kiểm soát tốt nỗi lo.
Khi tìm ra nguyên nhân của sự lo lắng, bạn cần xây dựng một kế hoạch dự phòng chi tiết.
Cụ thể, bạn nên bắt đầu nghiên cứu thị trường lao động và tìm kiếm một công việc mới. Trong khi chưa ổn định việc làm, bạn bắt buộc phải phân chia quỹ tiết kiệm một cách hợp lý.
Việc lập kế hoạch dự phòng sẽ mang lại cho bạn cảm giác kiểm soát tình huống. Điều này có khả năng dập tắt nỗi lo thường trực.
Nhớ về khó khăn mà bạn đã từng vượt qua giúp bạn hiểu sức mạnh bản thân. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels.
Tự nhắc nhở về sức mạnh bản thân
Khi phải đối mặt với một thách thức, hãy nhớ lại những khó khăn mà bạn đã vượt qua từ trước tới nay.
Một số nghiên cứu được công bố trên Journal of Consulting and Clinical Psychology cho thấy những người có xu hướng nghĩ về một thử thách mà họ đã vượt qua sẽ có tâm lý thoải mái hơn.
Bạn có thể nghĩ về một tình huống khó khăn trong quá khứ và tự đặt ra những câu hỏi như:
- Những phẩm chất nào giúp bạn thành công?
- Trường hợp đó giống tình huống hiện tại như thế nào?
Nhắc nhở bản thân về cách thức bạn đã đối mặt và vượt qua nghịch cảnh trước đây là một chiến lược tâm lý hiệu quả. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra sức mạnh nội tại và dễ dàng giải quyết vấn đề mất việc làm.
Bạn có thể tránh khỏi khủng hoảng danh tính khi không coi công việc là trung tâm cuộc sống. Ảnh: Kindel Media/Pexels.
Công việc không định nghĩa giá trị của bạn
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers of Psychology cho thấy những người tự định nghĩa bản thân qua một số thứ như công việc, tình yêu... có khả năng trải qua cuộc khủng hoảng danh tính.
Theo từ điển Oxford, đây là một dạng khủng hoảng tâm lý.
Trạng thái này xảy ra khi cảm nhận của một người về bản thân mình (mục đích sống, giá trị con người, tính cách) trở nên không vững chắc.
Nhận thức của họ bị lung lay bởi các yếu tố bên ngoài như: sự thay đổi hoàn cảnh sống, vị trí xã hội, tuổi tác, mối quan hệ.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa bản sắc cá nhân. Để làm được điều này, bạn có thể đầu tư vào một số khía cạnh khác trong cuộc sống như:
- Dành thời gian cho sở thích cá nhân. Bạn có thể chọn một sở thích mới như bắn cung, chơi nhạc cụ, vẽ tranh... hoặc tìm lại một thói quen đã từ bỏ trước đây.
- Luyện tập thể dục thể thao điều độ. Bạn cần cân bằng chế độ tập luyện và ăn uống để nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần trong giai đoạn khó khăn.
Đa dạng hóa danh tính giúp bạn tránh gặp khủng hoảng tâm lý khi công việc không diễn ra suôn sẻ.
Mất việc là một trải nghiệm khó khăn, nhưng bạn hoàn toàn có khả năng kiểm soát nỗi lo của mình. Trong thời gian này, bạn cần đặc biệt chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. Bạn cũng có thể tìm đến sự trợ giúp từ bạn bè, người thân hoặc chuyên gia tâm lý khi không thể vượt qua một mình.