Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (26/7), với chỉ số Dow Jones đạt chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 1987, trong bối cảnh nhà đầu tư nghiền ngẫm quyết định tăng lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và báo cáo tài chính của các công ty lớn. Giá dầu giảm do ảnh hưởng của việc lãi suất tăng và thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm ít hơn dự báo.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 82,05 điểm, tương đương tăng 0,23%, chốt ở 35.520,12 điểm. Đây là phiên tăng thứ 13 liên tiếp của chỉ số với thành viên là 30 cổ phiếu blue-chip, ghi dấu một thành tích mà Dow Jones chưa từng đạt được kẻ từ tháng 1/1987. Nếu tăng phiên thứ 14 liên tiếp, Dow Jones sẽ đạt tới chuỗi phiên tăng kỷ lục mà chỉ số đã thiết lập vào tháng 6/1897 - thời điểm khoảng 1 năm kể từ khi Dow Jones được thiết lập vào tháng 5/1896.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,02%, chốt ở 4.566,75 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,12%, còn 14.127,28 điểm.
Trong một động thái không nằm ngoài dự báo, Fed nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài trong hai ngày 25-26/7. Lần nâng này đưa lãi suất quỹ liên bang (fed funds fate) - lãi suất điều hành của Fed - lên ngưỡng 5,25-5,5%, cao nhất trong 25 năm. Tuy nhiên lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn giảm, vì Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng Fed có thể lại tạm dừng việc tăng lãi suất ở đây.
“Tôi muốn nói gần như chắc chắn rằng chúng tôi sẽ lại tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 nếu các dữ liệu yêu cầu như vậy. Và tôi cũng muốn nói rằng có thể chúng tôi sẽ chọn giữ nguyên lãi suất và đưa ra những đánh giá cẩn trọng, như tôi đã nói, là theo theo từng cuộc họp một”, ông Powell nói tại một cuộc họp báo sau khi quyết định tăng lãi suất được đưa ra.
Quyết định lãi suất tiếp theo của Fed sẽ được đưa ra vào ngày 20/9. Cổ phiếu các ngân hàng lớn của Mỹ như Wells Fargo đồng loạt tăng trong phiên này sau phát biểu trên của ông Powell, vì các nhà giao dịch đặt cược rằng nền kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái nếu Fed dừng việc tăng lãi suất.
Dù vậy, việc ông Powell nhấn mạnh rằng Fed sẽ “tùy vào dữ liệu” đã khiến các nhà giao dịch tranh cãi về động thái tiếp theo của Fed, và điều này ít nhiều gây áp lực lên tâm lý thị trường, khiến mức tăng của các chỉ số bị hạn chế.
Một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giữ vai trò dẫn dắt phiên tăng này, cổ phiếu công ty mẹ của Google là Alphabet tăng khoảng 5,8% sau khi công ty công bố tăng trưởng doanh thu ở mảng đám mây giúp mang đến kết quả kinh doanh quý 2 tốt hơn dự báo.
Cổ phiếu hãng sản xuất máy bay Boeing tăng 8,7% sau khi công bố báo cáo tài chính quý 2 vượt kỳ vọng nhờ số máy bay thương mại được giao tới khách hàng tăng mạnh.
Dù vậy, cổ phiếu Microsoft giảm 3,7% sau khi hãng phần mềm khổng lồ công bố kết quả kinh doanh quý 2 cho thấy tăng trưởng doanh thu ở mảng đám mây giảm.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,72 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 89,92 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,85 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 78,78 USD/thùng.
Trong phiên ngày thứ Ba, có thời điểm giá dầu đạt mức cao nhất 3 tháng. Phiên này, ngoài áp lực từ việc Fed nâng lãi suất lần thứ 11 trong chu kỳ thắt chặt khởi động vào tháng 3/2022, giá dầu còn chịu sức ép giảm từ báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô giảm ít.
Theo báo cáo trên, lượng dầu thô tồn kho thương mại của Mỹ giảm chỉ 600.000 thùng tỏng tuần trước, so với mức dự báo là giảm 2,35 triệu thùng. Ngoài ra, dự trữ xăng và dầu diesel cũng giảm ít hơn kỳ vọng.
“Mức giảm của tồn kho không lớn. Đây là một báo cáo không có lợi cho giá dầu, cộng thêm việc tăng lãi suất có thể gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định với hãng tin Reuters.
Giá dầu đã tăng trong 4 tuần, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu nguồn cung thắt chặt hơn, chủ yếu liên quan đến việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga, cũng như cam kết của chính quyền Trung Quốc nhằm vực dậy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mặc dù thị trường kỳ vọng Saudi Arabia sẽ gia hạn thời điểm kết thúc đợt cắt giảm sản lượng đang thực thi từ tháng 8 sang tháng 9, nhưng các nguồn tin nói với Reuters hôm thứ Tư rằng Nga dự kiến sẽ tăng đáng kể lượng dầu xuất khẩu vào tháng 9, chấm dứt việc cắt giảm mạnh xuất khẩu.
Trong khi đó, thị trường đang lo ngại nhiều về việc liệu Trung Quốc, cũng là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, có thực hiện các cam kết về chính sách kích cầu hay không.
“Thị trường vẫn đang chờ đợi các chính sách cụ thể của Trung Quốc. Biết đâu những chính sách đó lại không được như thị trường kỳ vọng”, chiến lược gia trưởng về hàng hóa cơ bản của ING, ông Warren Patterson, phát biểu.
“Thị trường sẽ tiếp tục giằng co giữa một bên là nguồn cung dầu toàn cầu thắt lại và một bên là mối lo về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu”, Chủ tịch Hiroyuki Kikukawa của NS Trading phát biểu.