Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo thị trường hàng không thế giới sẽ phục hồi vượt mức trước khi có dịch Covid-19 vào đầu năm 2024 với tổng số hành khách đạt 4 tỷ lượt khách. Cũng theo đánh giá của IATA, Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Hội tụ đủ yếu tố để tạo sức bật
Chia sẻ tại Triển lãm quốc tế Hàng không Việt Nam 2022 tổ chức tuần qua, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn nhấn mạnh rằng sau đại dịch Covid-19, hàng không Việt Nam được đánh giá có tốc độ phục hồi nhanh nhất thế giới, đặc biệt các đường bay nội địa đạt sản lượng cao hơn nhiều so với năm 2019.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không 6 tháng đầu năm 2022 đón 23,3 triệu lượt khách, tăng mạnh mẽ 74,2% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 60% cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng ấn tượng 58,4% so cùng kỳ 2021 và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.
Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 60 đường bay nội địa. Tổng thể lượng cung ứng nội địa và quốc tế của Việt Nam đạt hơn 6,5 triệu ghế, đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Cũng theo ông Hồ Minh Tấn, năm 2022 cũng là năm kỷ niệm 25 năm ngành hàng không Việt Nam đạt được chỉ số an toàn cao và chứng kiến doanh nghiệp hàng không vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch, đưa ngành hàng không Việt Nam ngang tầm quốc tế, khu vực.
Để giúp ngành hàng không Việt Nam phục hồi nhanh hơn, bà Lương Thị Xuân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Triển lãm quốc tế Hàng không Việt Nam, cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động giao thương, liên kết kỹ thuật, dịch vụ giữa ngành hàng không Việt Nam với hàng không các nước trên thế giới.
Bà Xuân đánh giá Việt Nam hội tụ nhiều đặc điểm, tiềm năng để đẩy mạnh sự phát triển của hàng không như dân số đông đảo hơn 100 triệu, lớn hơn nhiều lần so với các nước khác.
Số sân bay của Việt Nam theo quy hoạch đến năm 2030 sẽ hình thành 28 cảng, gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 14 cảng hàng không quốc nội, đáp ứng nhu cầu của khoảng 283 triệu hành khách.
Cùng với sự phát triển của ngành hàng không sẽ kích hoạt sự phát triển của các lĩnh vực khác như du lịch, vận tải…
Đặc biệt, ngành công nghiệp hàng không dẫn dắt và là mũi nhọn liên kết các ngành công nghiệp khác như công nghiệp thực phẩm, sản xuất, công nghiệp phụ trợ và ngành thủ công mỹ nghệ, thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Xuân, Việt Nam dù hội tụ đủ các yếu tố để phát triển ngành hàng không, từ con người, điểm du lịch, tàu bay, hàng hóa nhưng vẫn chưa kết nối đồng bộ để thu hút nhiều hơn những doanh nhân, những hành khách quốc tế vào Việt Nam, để phát triển mạnh mẽ hơn mạng lưới tàu bay và tạo sức bật cho ngành hàng không.
Thích ứng để dần phục hồi
Về phía các doanh nghiệp hàng không, dù sau một thời kỳ kéo dài bị đại dịch “thổi bay” thành tựu, tiềm lực tích luỹ nhiều năm nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn luôn sẵn sàng để phục hồi.
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề, khẳng định các hãng hàng không trong nước luôn chủ động ứng phó và đánh giá kịp thời những tình huống để xoay xở vuợt khó khăn. Nhiều người công tác trong ngành hàng không rất tâm huyết, gắn bó với ngành dù gian khó kéo dài.
“Hiện thị trường nội địa tăng trưởng trên 10% so với thời kỳ trước dịch, thị trường hàng không quốc tế khả năng sẽ đạt khoảng 60% so với trước dịch”, ông Nề nhấn mạnh.
Nỗ lực chủ động để hòa nhập và phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines, thừa nhận mặc dù giai đoạn hiện tại Vietnam Airlines gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, dòng tiền nhưng điều đấy không có nghĩa là hãng không chuẩn bị cho tương lai dài hơn như nâng cấp đội tàu bay, đầu tư cơ sở hạ tầng tại sân bay, hay chú trọng đến đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đặc biệt, quan trọng nhất, Vietnam Airlines đang tái cơ cấu tổ chức theo hướng linh hoạt hơn và đẩy mạnh hơn về chuyển đổi số, từ đó tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng.
Ông Trung cho biết 10 năm vừa qua, ngành hàng không phát triển rất nhanh và theo dự báo IATA, Việt Nam tiếp tục là một trong 5 quốc gia có tốc độ phát triển nhanh trong giai đoạn tới.
Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, đại diện Vietnam Airlines cho rằng điều quan trọng đầu tiên là đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác, kỹ thuật.
Tiếp đến, hãng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp linh hoạt ứng phó với tình hình dịch bệnh, sẵn sàng các kịch bản khác nhau, linh hoạt trước những biến động của thị trường bởi hiện nay chúng ta đang sống trong giai đoạn VUCA, với 4 đặc tính chính: biến động (Volatility); bất định (Uncertainty); phức tạp (Complexity); mơ hồ (Ambiguity) và biên độ biến động lớn.
Lấy dẫn chứng sự linh hoạt của hãng hàng không quốc gia, ông Trung cho biết trong giai đoạn cả nước đóng cửa hoàn toàn, hàng không không có khách, Vietnam Airlines đã phải tháo ghế trên tàu bay để chở hàng hóa, tăng nguồn thu từ hoạt động này để duy trì hoạt động.
Cùng với đó, Vietnam Airlines tìm ra các hướng đi khác như “nhảy” vào lĩnh vực thương mại điện tử, hay những công ty suất ăn chuyển hướng sản xuất suất ăn cho các trường học, doanh nghiệp hay sản xuất thêm trà sữa.
“Vietnam Airlines chống chọi với những khó khăn hiện tại để tồn tại được nhưng đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển trong tương lai”, ông Trung nhấn mạnh.
Đẩy mạnh giao thương với thế giới, Vietnam Airlines mở thêm đường bay mới giữa Đà Nẵng và Kuala Lumpur (Malaysia) từ ngày 1/9 vừa qua và nối lại đường bay giữa Đà Nẵng và Bangkok (Thái Lan) từ ngày 15/9. Hãng cũng tăng thêm một chuyến bay mỗi tuần trên các đường bay giữa Hà Nội, TP.HCM và Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 15/9. Sau khi tăng tần suất, đường bay Hà Nội - Seoul sẽ bay 10 chuyến/tuần. Còn đường bay TP.HCM - Seoul bay 11 chuyến/tuần.
Với các hãng hàng không quốc tế, chỉ cách đây một năm, nhiều doanh nghiệp vẫn lao đao vì đại dịch. Hãng hàng không thương mại đầu tiên của châu Á và cũng là hãng hàng không có tuổi đời lâu nhất đang hoạt động - 81 tuổi, Philippine Airlines từng “mong manh” trước bờ vực phá sản khi phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ để mở đường cho cuộc tái cơ cấu giúp hãng sống sót sau Covid-19.
Bà Maria Christina “Tina” Dela Cruz, Giám đốc khu vực Việt Nam Philippine Airlines, cho biết năm 2022 thực sự là một năm tốt đẹp vì Philippine Airlines không đóng cửa mà đã quay trở lại.
"Những khó khăn đã qua, giờ là lúc nhìn lại những thắng lợi bước đầu.
Hiện Philippine Airlines khai thác trở lại hai chặng bay đến Việt Nam và tăng tần suất bay từ Hà Nội đi Manila từ 3 lên 4 chuyến/tuần, còn từ TP.HCM từ 8 lên 9 chuyến/tuần và từ đây nối chuyến đi các quốc gia các quốc gia khác như Mỹ, Canada, Australia… trên những chặng bay dài hơn".
Bà Maria Christina “Tina” Dela Cruz, Giám đốc khu vực Việt Nam Philippine Airlines.
Bên cạnh đó, thời gian dịch vừa qua, hoạt động vận chuyển hàng hóa của hãng hàng không quốc gia của Philippines cũng phát triển rất mạnh.
Cũng theo bà Tina, Philippine Airlines hợp tác với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines để triển khai những chuyến bay liên danh “code share”.
Bởi hiện Vietnam Airlines chưa mở đường bay đến Manila, do đó, hành khách bay từ Việt Nam đến thủ đô của Philippines có thể mua vé của Vietnam Airlines nhưng ngồi trên máy bay, chặng bay do Philippine Airlines khai thác.
Ông Đỗ Quang Định, Giám đốc kinh doanh Philippine Airlines, cho biết thêm hiện tại dù hãng hàng không quốc gia của Philippines vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn chung như tất cả các đơn vị hoạt động trong ngành lữ hành, đặc biệt liên quan đến nhân sự khi nhiều nhân viên của hãng dịch chuyển sang các công việc khác, tuy nhiên các hãng đều có các bước như tinh lọc bộ máy, thay đổi và phát triển dần dần.
Dù vậy, “Hiện tại đường bay giữa hai quốc gia Việt Nam – Philippines đã khai thác trở lại hoàn toàn như thời điểm trước dịch và lượng khách tương đối đông, kín chỗ trên mỗi chuyến bay, có những chuyến cắt sang các chuyến tiếp theo”, ông Định chia sẻ. Đây là những dấu hiệu quay trở lại của ngành hàng không, bởi nếu không mở cửa trở lại rất khó duy trì lịch bay thường xuyên, ảnh hưởng đến hình ảnh của hãng và khó lấy lại khách hàng.