Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình tổng mức đầu tư hơn 3.758 tỷ đồng do liên danh nhà đầu tư Tổng công ty xây dựng số 1 – CTCP và Công cổ phần đầu tư và xây dựng Bùi Vũ triển khai dù đã hoàn thành tới 70% khối lượng nhưng đang phải “đắp chiếu” vì nhà đầu tư đề nghị tạm dừng thực hiện chờ điều chỉnh lãi suất vay trong hợp đồng BOT.
Tạm dừng sau nhiều lần "lỗi hẹn"
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình theo hình thức đối tác công tư, được UBND TP Hải Phòng phê duyệt năm 2016, sau đó được điều chỉnh hai lần vào các năm 2017 và 2018. Theo đó, tuyến đường có quy mô đường cấp 3 đồng bằng (chiều rộng nền đường 12m), chiều dài toàn tuyến là 29,7 km, trong đó, đoạn qua địa phận Hải Phòng dài 20,7m, đoạn qua địa phận Thái Bình dài 9km.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.758,6 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước là 720 tỷ đồng phục vụ GPMB trên địa bàn TP. Hải Phòng. Phần vốn đầu tư xây dựng hơn 3.038,6 tỷ đồng do nhà đầu tư đảm nhiệm gồm vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng và vốn vay hơn 2.138,6 tỷ đồng.
Ban đầu nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh bốn doanh nghiệp gồm Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1), Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Bùi Vũ, Tổng công ty IDICO - CTCP và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9. Liên danh đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư đường ven biển Hải Phòng để thực hiện dự án BOT này. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng giữ vai trò quản lý dự án đường ven biển theo hình thức BOT này.
Dự án được tổ chức động thổ từ tháng 5/2017 nhưng sau khi triển khai đã gặp khó khăn về vốn. Các năm 2018-2019 nguồn vốn vay BOT bị siết chặt nên dự án bế tắc do không có vốn. Đến năm 2020, hai thành viên xin rút khỏi dự án. Công ty CP Đầu tư đường ven biển Hải Phòng được cơ cấu lại với hai thành viên là CC1 và Công ty CP Đầu tư và xây dựng Bùi Vũ.
Cuối năm 2021, phần vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng đã được hai thành viên liên danh nhà đầu tư lại huy động đủ, CC1 huy động 856 tỉ đồng (chiếm 75%), Công ty Bùi Vũ huy động 44 tỷ đồng (chiếm 44%) góp vào doanh nghiệp dự án. Về vốn vay, doanh nghiệp dự án đã ký các hợp đồng vay vốn có tổng giá trị là 2.200 tỷ đồng, trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong ký cho vay 1.000 tỷ đồng, Tổng Công ty xây dựng số 1 – CTCP ký cho vay 1.200 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông Hải Phòng, ban đầu dự án dự kiến hoàn thành năm 2019, sau đó được lùi thời gian hoàn thành nhiều lần nữa nhưng đều bị chậm tiến độ chưa thể hoàn thành. Tại phụ lục hợp đồng BOT giữa UBND TP. Hải Phòng và liên danh nhà đầu tư ký tháng 3/2022, thời gian thực hiện hợp đồng là 25 năm 6 tháng, trong đó, thời gian hoàn thành thi công xây dựng được gia hạn đến hết tháng 6/2023. Tuy nhiên, đến 22/6/2023, thay vì phải hoàn thành thi công xây dựng thì Công ty Cổ phần Đầu tư Đường bộ ven biển Hải Phòng lại có văn bản đề nghị tạm dừng thực hiện hợp đồng BOT.
Đề nghị tăng lãi suất hợp đồng BOT
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, thời điểm nhà đầu tư xin dừng, dự án đã hoàn thành được khoảng 70% khối lượng công việc, tổng giá trị giải ngân đạt 2.192 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng (100%), vốn vay là 1.292 tỷ đồng (58,72%).
UBND TP. Hải Phòng cho rằng nhà đầu tư xin dừng thực hiện vì dự án đang có vướng mắc lớn liên quan đến lãi suất vốn vay thực tế cao hơn lãi suất vốn vay quy định tại hợp đồng BOT, nhà đầu tư không thể giải quyết được. Cụ thể, lãi suất vốn vay trong thời gian xây dựng xác định theo quy định tại hợp đồng BOT từ tháng 3/2023 là 5,625%. Trong khi đó, theo báo cáo của nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay thực tế doanh nghiệp phải chi trả từ tháng 7/2023 là 12,9%/năm.
Tại báo cáo đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh lãi suất vốn vay dự án này, UBND TP. Hải Phòng đánh giá việc điều chỉnh lãi suất vốn vay và điều chỉnh nguyên tắc lãi suất vốn vay trong hợp đồng BOT là cần thiết. Theo UBND TP. Hải Phòng việc nhà đầu tư kiến nghị cho phép điều chỉnh mức lãi suất vốn vay theo lãi suất thực tế trong hợp đồng tín dụng vay vốn, đảm bảo không vượt quá mức lãi suất cho vay trung dài hạn trung bình của 3 ngân hàng thương mại (BIDV, Vietcombank, Viettinbank), là phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc điều chỉnh lãi suất này thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, theo thông tư 88/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, trường hợp dự án được Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xem xét, quyết định việc áp dụng các quy định của Thông tư này, đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án. Do đó, trường hợp này cần có sự cho phép của Chính phủ thì Hải Phòng mới có thể đàm phán điều chỉnh lãi suất vốn vay đối với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT.
Để tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn vốn vay thực hiện dự án nhằm sớm hoàn thành đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả động lực để phát triển kinh tế xã hội Hải Phòng và khu vực trọng điểm Bắc Bộ, UBND TP. Hải Phòng đã đề nghị Chính phủ đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh lãi suất vốn vay hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển.
Dự án mở rộng đường bộ ven biển cũng bị "treo"
Cùng với đường bộ ven biển đầu tư theo hình thức BOT, từ năm 2020, UBND TP. Hải Phòng đã phê duyệt dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn Hải Phòng (từ tỉnh lộ 353 đến cầu Thái Bình) với tổng mức đầu tư hơn 946 tỷ đồng từ vốn ngân sách do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư.
Dự án tuyến đường mở rộng không phải giải phóng mặt bằng vì dự án BOT đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Sau khi cả hai dự án hoàn thành, gần 20 km đường ven biển trên địa phận TP. Hải Phòng sẽ là tuyến đường đôi mặt cắt hơn 24m. Theo yêu cầu kỹ thuật, cả hai dự án phải thi công đồng thời mới đảm bảo chất lượng. Thế nhưng do dự án BOT bị chậm tiến độ đang phải “đắp chiếu” chờ giải cứu nên dự án mở rộng đường bộ ven biển cũng đình trệ theo.