Hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố vào đầu tháng 6, Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 4,1% xuống còn 2,9%. Báo cáo nêu rõ, tăng trưởng toàn cầu dự kiến giảm từ 5,7% vào năm 2021 xuống còn 2,9% vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% đã được dự đoán hồi tháng 1/2022.
Tại báo cáo trên, Ngân hàng Thế giới cũng hạ dự báo tăng trưởng của nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình như nền kinh tế Nga sẽ giảm 8,9% trong năm nay và giảm 2% trong năm 2023. Tăng trưởng GDP của Ukraine cũng được dự báo giảm 45% trong năm 2022...
Trong khi đó, Việt Nam lại là nước duy nhất trên thế giới được Ngân hàng Thế giới rà soát và dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022.
Không chỉ Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đưa ra cảnh báo kinh tế thế giới sẽ phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của tình trạng xung đột tại Ukraine, khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 và nâng dự báo lạm phát. Theo đó, OECD dự báo, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 12/2021.
Mới đây, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cũng đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam từ mức 6,6% lên mức 6,9%. Theo đó, một trong những lý do để HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 đó là, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II/2022 đã vượt mốc 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua kỳ vọng của thị trường.
Đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt 6% khi hoạt động kinh tế bình thường trở lại và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện.
4 căn cứ nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây đã đưa ra 4 căn cứ để Ngân hàng Thế giới và các tổ chức trong và ngoài nước nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022.
Trong đó, thứ nhất, chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tính đến ngày 26/6//2022, 82,9% dân số Việt Nam đã được tiêm đủ liều vắc xin – tỷ lệ khá cao so với mức bình quân 61,4% dân số thế giới được tiêm đủ liều. Số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam ngày càng giảm.
"Tình hình dịch bệnh được kiểm soát là nền tảng căn bản cho duy trì sự ổn định xã hội, tâm lý người dân, các hoạt động kinh tế quay trở về trạng thái bình thường, ổn định và phát triển" - đại diện Tổng cục Thống kê thông tin.
Thứ hai, các chính sách hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng là tiền đề cho tiến trình khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn, an sinh tới mọi người dân. Cụ thể hơn, theo Tổng cục Thống kê, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH 15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Theo đó, các bộ, ngành đã có những cơ chế chính sách cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình theo lĩnh vực được giao, đóng góp tích cực vào sự phục hồi kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022.
Thứ ba, quyết sách mở cửa kịp thời nhằm giải quyết những tồn đọng của nền kinh tế do đại dịch, tận dụng lợi thế và tìm kiếm cơ hội phát triển cho tương lai đã và đang phát huy tác dụng, hiệu quả cho nền kinh tế sau 2 năm bị phong tỏa.
"Đặc biệt, việc dỡ bỏ các hạn chế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong nước, mở cửa biên giới và mở lại các hoạt động du lịch quốc tế đã tạo ra sức sống mới trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam. Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh; khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng cao trong những tháng đầu năm" - bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao. Đặc biệt, Việt Nam tổ chức thành công Seagame 31 cũng là dấu ấn quan trọng với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam hòa bình, an toàn, ổn định, thân thiện.
Thứ tư, kết quả thực tế của hoạt động kinh tế 6 tháng tăng trưởng khả quan, hứa hẹn triển vọng phát triển trong những tháng còn lại của năm 2022.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục xu hướng tích cực do dịch bệnh Covid-19 trong nước đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản trên thế giới tăng cao, xuất khẩu dịch chuyển dần sang các thị trường khác giá trị hơn và dự kiến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
“Đây tiếp tục là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước đặc biệt trong bối cảnh lo lắng về an ninh lương thực thế giới dần gia tăng” – Tổng cục Thống kê thông tin.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm. Những yếu tố này vẫn sẽ là nhân tố tích cực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2022. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ sản xuất thông qua Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022-2023 cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà cho nền kinh tế phát triển trong thời gian tới.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực và có sự bứt phá mạnh mẽ do các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.