Ngay khi mới bước vào đầu vụ thu hoạch, tỉnh Lào Cai đã lên phương án hỗ trợ tối đa để quả vải thiều được thông quan nhanh và thuận lợi nhất. Vải thiều được vận chuyển từ Hải Dương, Bắc Giang ngay trong đêm, sáng sớm hôm sau lên tới cửa khẩu Kim Thành. Tại đây, doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa về thủ tục và ưu tiên xuất khẩu so với các loại hàng hóa khác ngay đầu giờ sáng
Hiện nay, do vẫn đang trong thời điểm chính vụ vải thiều nên mỗi ngày có hàng trăm xe vải thiều được làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Để bảo đảm các phương tiện chở hàng xuất khẩu thông suốt, lực lượng chức năng tại cửa khẩu chủ động giờ làm việc sớm hơn quy định 30 phút, để khi đến giờ cửa khẩu mở các xe có thể thông quan ngay.
Lực lượng chức năng tại đây đã tăng cường thêm nhân lực, phân luồng, rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trạm Biên phòng cửa khẩu Kim Thành tăng cường lực lượng hướng dẫn, điều tiết ưu tiên phương tiện chở quả vải tươi xuất khẩu vào đầu giờ sáng hàng ngày, bảo đảm theo thứ tự điều tiết công khai, minh bạch.
Tỉnh Lào Cai đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thêm 2 bãi xe nhằm tăng sức chứa và tránh tình trạng ùn tắc vào dịp cao điểm; đồng thời, tiếp tục phối hợp với phía Trung Quốc để thông tin chính xác, kịp thời về tình hình thông quan hàng hóa cho các địa phương để giảm thiểu rủi ro.
Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai cũng dành riêng 1 bãi chờ xuất khẩu (quy mô sắp xếp 100 xe ô tô) cho các xe chở quả vải thiều. Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm dịch vụ cửa khẩu bố trí nhân lực hướng dẫn xe vào bãi chờ xuất khẩu, bảo đảm cung cấp điện cho các xe lạnh, bảo vệ hàng hóa, vệ sinh môi trường.
Để tạo thuận lợi hơn nữa, từ ngày 7/6, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã đưa Trung tâm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính vào vận hành tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành.
Việc đưa Trung tâm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành vào sử dụng tạo chuyển biến, đột phá trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hình thành một điểm tiếp nhận, trả kết quả duy nhất (One stop) và phương thức làm việc giữa cơ quan quản lý chuyên ngành với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, giảm việc đi lại của doanh nghiệp khi nộp hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp tại cửa khẩu theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông thoáng trong việc giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu tại cửa khẩu.
Tại cửa khẩu đường bộ Kim Thành hiện nay, tất cả các xe chở quả vải tươi đều được ưu tiên thông quan hoàn toàn trong buổi sáng mỗi ngày. Từ đầu vụ đến nay đã có hơn 30.000 tấn quả vải xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, đạt giá trị hơn 14 triệu USD.
Tỉnh Lào Cai đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với phía Trung Quốc nắm bắt thị trường để kịp thời thông tin cho địa phương có vùng trồng vải và các mặt hàng nông sản khác; hạn chế tối đa việc phải chờ đợi, dẫn đến hư hỏng hàng hóa.
Số liệu của Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy, năm 2023, toàn tỉnh có 29,7 nghìn ha trồng vải thiều. Sản lượng ước đạt hơn 180.000 tấn, tăng khoảng 20.000 tấn so với năm ngoái. Trong đó, diện tích trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP là 15.600 ha với sản lượng ước đạt 115.000 tấn; tiêu chuẩn GlobalGAP 215 ha với sản lượng khoảng 2.500 tấn.
Còn tại Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh có trên 8.800ha vải, tập trung tại huyện Thanh Hà và Chí Linh; trong đó 70% vải chính vụ. Có 5 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP. Sản lượng vải toàn tỉnh trên 60.000 tấn; trong đó vải thiều Thanh Hà khoảng 40.000 tấn. Toàn tỉnh có 203 mã số vùng trồng, 13 mã số cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, sản lượng vải xuất khẩu của Hải Dương năm 2023 dự kiến chiếm trên 50%; trong đó, đặc biệt, lượng vải thiều Thanh Hà xuất khẩu ngày càng tăng qua các thị trường truyền thống là Trung Quốc, các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia.