Hôm 27/6, một thiếu niên 17 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết ở ngoại ô Nanterre của Paris. Sự tức giận nhanh chóng lan rộng khắp đất nước. Theo Euronews, điểm đến nghỉ dưỡng số một thế giới phải "vật lộn" với bầu không khí bất ổn xã hội khi kỳ nghỉ hè bắt đầu.
Trong thời gian diễn ra bạo loạn, nhiều doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng chịu thiệt hại nặng nề. Theo Hiệp hội giới chủ Pháp (MEDEF), các cuộc bạo loạn đã gây ra thiệt hại hơn một tỷ euro (khoảng 1,1 tỷ USD).
Cơn ác mộng của các doanh nghiệp
Gần 400 chi nhánh ngân hàng và 500 cửa hàng ở các góc phố đã bị tấn công. Theo ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính Pháp, tổng số cửa hàng bị cướp phá là 1.000.
Thời điểm từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, đáng lý ra các doanh nghiệp đang rục rịch chuẩn bị kiếm thêm lợi nhuận do Pháp là một trong những điểm đến hút khách mỗi dịp hè. Tuy nhiên, hiện tại một số chủ cơ sở kinh doanh đang loay hoay tìm cách khắc phục thiệt hại, khi tình trạng bất ổn lên đến đỉnh điểm hôm 30/6-2/7.
"Thứ bảy là đêm tồi tệ nhất với công việc kinh doanh của tôi trong ba năm qua. Chúng tôi đã lỗ 5.000-6.000 euro", Hugo Neyrand - chủ một nhà hàng nằm trong khu phố cổ của Lyon (Pháp) - giải thích.
Nhà hàng của Neyrand phục vụ tới 600 người mỗi ngày vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, cơ sở này giờ phải đối mặt với tình trạng vắng khách và hủy bàn.
Không riêng các doanh nghiệp SME (quy mô vừa và nhỏ), các cửa hàng cao cấp tại Pháp cũng lo ngại về tình hình doanh số bán hàng quý 3 khi loạt sự kiện thời trang bị hủy bỏ.
Theo Yahoo News, lễ kỷ niệm cố nhà thiết kế Karl Lagerfeld và nhiều show diễn thời trang khác diễn ra vào ngày 30/6-5/7 đều bị hoãn vì sự an toàn của khách.
Pháp là điểm đến mua sắm sang trọng hàng đầu của khách du lịch Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Văn phòng Du lịch Paris, 20-25% khách du lịch hiện đã hủy các chuyến bay đến thành phố này.
Đại diện Hiệp hội giới chủ Pháp (MEDEF) cho biết thêm các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ.
“Thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội sẽ được hoãn đối với các cửa hàng bị tấn công, miễn hoàn toàn đối với những cửa hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thời gian yêu cầu bồi thường bảo hiểm cũng được kéo dài từ 5 ngày lên đến 30 ngày", ông Bruno nói với CNN.
Bên cạnh vấn đề trong nước, các quan chức làm việc trong lĩnh vực du lịch Pháp cũng bày tỏ sự lo ngại về hình ảnh quốc gia khi xuất hiện nhiều thông tin không đúng về cuộc bạo loạn.
Lo ngại hình ảnh quốc gia trong mắt du khách châu Á
“Chúng tôi muốn trấn an khách du lịch châu Âu và quốc tế rằng Pháp là quốc gia hiếu khách”, ông François de Canson, Chủ tịch ADN Tourisme (Paris), cho hay.
Tình trạng hủy chuyến bay đến Pháp, hủy các hoạt động lưu trú, ăn uống với du khách trong nước vẫn đang ở mức thấp.
Quan ngại tình hình sẽ “tồi tệ” hơn, ông Franck Trouet, Giám đốc điều hành GHR - tổ chức dành cho các khách sạn, nhà hàng Pháp - giải thích: “Các kênh truyền hình, báo đài nước ngoài chiếu những hình ảnh về Paris trong lửa và máu, nhưng những hình ảnh này không đúng thực tế. Khách du lịch châu Á, đặc biệt, những người quan tâm đến an ninh, họ có thể không ngần ngại hoãn hoặc hủy chuyến đi”.
Đây không phải là làn sóng bất ổn xã hội đầu tiên xảy ra nước Pháp trong năm nay. Hồi đầu năm, các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Pháp đã chuyển thành bạo lực. Hình ảnh những đống rác ở Paris cũng lan truyền trên mạng xã hội sau cuộc đình công của các công nhân vệ sinh môi trường.
Theo ông Jean-Francois Rial, Chủ tịch Văn phòng Du lịch Paris, nếu Pháp tiếp tục xảy ra bạo loạn, việc tổ chức Thế vận hội Olympic 2024 có thể sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là vì phần lớn các sự kiện sẽ diễn ra ở Seine-Saint-Denis - phía bắc thủ đô Paris, một trong những khu vực xảy ra bạo loạn.