Daniel Zipser, lãnh đạo bộ phận bán lẻ và tiêu dùng của McKinsey tại Châu Á, cho biết: “Tôi hy vọng chúng ta có thể thấy sự cải thiện tốt hơn trong năm tới”.
Theo Zipser, tiêu dùng của Trung Quốc có thể sẽ phục hồi sau khi chạm đáy. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một cú hồi phục hình chữ V. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc nhìn chung vẫn mờ nhạt kể từ khi bùng nổ Covid-19 hồi năm 2020. Bất chấp việc dỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19 vào năm ngoái, nhu cầu của người dân Trung Quốc vẫn thấp trong khi thị trường bất động sản gặp khó khăn tiếp tục đè nặng lên doanh số bán lẻ.
Nền kinh tế phục hồi chậm, lĩnh vực BĐS vẫn gặp khó khăn cùng mối quan hệ thương mại với Mỹ tiếp tục căng thẳng khiến tâm lý người tiêu dùng ở Trung Quốc không được cải thiện đáng kể. Thậm chí, nhiều người còn không nghĩ rằng tình hình sẽ được cải thiện trong năm 2024, thậm chí 2025.
Tuy nhiên, bất chấp tình hình u ám chung, vẫn có những công ty hưởng lợi. Trong số 80 công ty tiêu dùng lớn nhất công khai kết quả kinh doanh, nhiều cái tên tăng trưởng hai con số. Ở chiều ngược lại, cũng có những doanh nghiệp sụt giảm 2 con số.
“Ngày xưa, bạn có thể đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào bạn muốn. Mọi thứ đều theo hướng tiến lên, các doanh nghiệp đều hoạt động tốt. Tuy nhiên, những ngày đó đã qua rồi. Ngày nay, thị trường cạnh tranh hơn và người tiêu dùng cũng sành điệu hơn”, Zipser cho hay.
Tuy nhiên, không phải bởi thế mà thị trường Trung Quốc không còn hấp dẫn. Từ năm 2012 đến 2022, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi lên 12.720 USD. Trong khi đó, GDP/đầu người của Mỹ chỉ tăng khoảng 47% trong cùng kỳ, lên 76.398 USD vào năm 2022.
Quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc có nghĩa là ngay cả khi tăng trưởng chậm lại xuống còn 4-5%/năm thì doanh số bán lẻ của nước này cũng sẽ bằng tổng doanh số bán lẻ của Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia cộng lại.
Tham khảo: Bloomberg