Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm ước đạt gần 4,6 triệu lượt, trong đó tổng lượng khách Trung Quốc ước đạt 398.891 lượt khách. Như vậy, tính đến hết tháng 5/2023, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn thứ 2 tới Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc. Các đơn vị du lịch đều kỳ vọng khách sẽ đến nhiều hơn vào dịp hè, bởi số lượng khách tháng 5 năm nay của thị trường này mới bằng 34% so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam vẫn thua xa Thái Lan
Ngay gần kề, nước láng giềng Thái Lan đã bỏ xa Việt Nam với 1 triệu khách từ quốc gia tỷ dân sau 5 tháng đầu năm 2023. Chính phủ Thái Lan kỳ vọng lượng du khách Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách từ Trung Quốc trong năm nay, với mức chi tiêu 446 tỉ baht (13,18 tỉ USD), người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết trong một tuyên bố.
Một phần lớn nguyên nhân khách Trung Quốc trở lại Thái Lan ngày càng đông được cho là do hoạt động hàng không đang khôi phục. Thái Lan đã đón 12.805 chuyến bay từ Trung Quốc từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023, theo SCMP. Tuy số chuyến bay vẫn ở mức 60% hoặc thấp hơn so với năm 2019, nhưng tần suất ngày càng tăng của các chuyến bay từ Trung Quốc góp phần thúc đẩy lượng hành khách nói chung tăng trưởng tích cực hơn dự đoán. Bên cạnh đó, Thái Lan còn đưa ra dịch vụ cấp visa tại cửa khẩu (visa on arrival) để thu hút khách Trung Quốc.
Kevalin Wangpichayasuk, trợ lý giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu Kasikorn tại Thái Lan, trả lời Xinhua: "Chúng tôi cho rằng lượng khách từ Trung Quốc vào năm 2023 sẽ cao nhất trong tất cả các thị trường, như trước đại dịch". Tuy nhiên, bà Kevalin cũng lưu ý rằng ngành du lịch Thái Lan cũng nhận ra sở thích của du khách đã thay đổi. Theo đó, phần lớn khách Trung Quốc hiện nay là người trẻ tuổi và du lịch theo nhóm nhỏ, thích khám phá ẩm thực và thời trang địa phương, tìm đến các điểm du lịch mới.
Kể từ cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã gỡ bỏ gần như hoàn toàn các lệnh kiểm soát dịch Covid-19 từng khiến nền kinh tế Đại lục đóng băng. Thế nhưng những vết thương kinh tế do đại dịch gây ra vẫn chưa lành hẳn – thậm chí một vài chỉ số còn cho thấy mọi chuyện đang tệ hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đã đạt kỷ lục 20,4% trong tháng 4, từ 16,7% vào thời điểm cuối năm 2022.
Nhìn bề ngoài, Trung Quốc đang tràn đầy năng lượng trở lại. Các khu mua sắm, nhà hàng, nhà ga xe lửa trở nên đông đúc. Nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là người trẻ, nói rằng họ đã muốn bù đắp lại khoảng thời gian tránh dịch Covid-19 bằng cách đi du lịch nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, những con số thống kê về kỳ nghỉ lễ 1/5 vừa qua cho thấy rõ thách thức mà Trung Quốc đang phải đối diện. Theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc:
Mặc dù số lượng các chuyến đi nội địa trên toàn quốc đã tăng 19% so với năm 2019, nhưng tổng lượng chi tiêu của khách du lịch chỉ tăng có 0,7%.
Bên cạnh đó lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài cũng chỉ bằng một phần nhỏ so với thời kỳ trước đại dịch. Các rào cản khiến người Trung Quốc phải ở nhà, bao gồm tình trạng thiếu chuyến bay và xin thị thực khó khăn, có thể sẽ được tháo gỡ theo thời gian, song sự phục hồi chậm chạp khiến nhiều công ty lữ hành thất vọng. Theo các chuyên gia kinh tế của Nomura, dự kiến sẽ mất từ 2 - 3 năm du lịch nước ngoài của Trung Quốc mới trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch.
Du khách Trung Quốc đã thay đổi
Theo các chuyên gia, tốc độ phục hồi du lịch nước ngoài của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố. Chính phủ Trung Quốc hiện đặt ra một số hạn chế và sẽ cần nới lỏng các quy tắc để kích cầu. Cơ quan quản lý và các hãng hàng không cũng cần tăng cường thêm nhiều chuyến bay hơn sau khi các tuyến đường bị đóng băng thời kỳ đại dịch. Sự phục hồi cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu người dân có cảm thấy đủ tự tin để chi tiêu nhiều hơn cho xuất ngoại hay không.
Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis (trụ sở Paris, Pháp), nhận định phần lớn người Trung Quốc chưa sẵn sàng để chi tiêu nhiều như trước, ngay cả khi chính phủ dùng mọi cách để khuyến khích tiêu dùng, tránh việc tiết kiệm quá mức. “Mọi người cần công việc và mức lương cao hơn để tiêu nhiều trở lại", bà Herrero chia sẻ. Sự thay đổi trong xu hướng du lịch của người Trung Quốc cũng khiến các chuyên gia nhận định rằng đừng “đặt cược” tất cả vào thị trường này nếu ngành du lịch các quốc gia muốn phục hồi doanh thu.
Mặt khác, các điểm đến sẽ phải có những điều chỉnh để đáp ứng với nhu cầu của một thế hệ du khách Trung Quốc mới có ý thức cao hơn về môi trường. Những công ty lữ hành cần phải cung cấp trải nghiệm văn hóa bản địa một cách chân thực nhất, đồng thời cởi mở hơn với ý tưởng du khách sẽ đi mua đồ ăn với đầu bếp của khách sạn hoặc cùng nấu những món ăn bản địa với họ thay vì những bữa ăn xa hoa ở nhà hàng.
Năm 2019, khoảng 70% chi tiêu xa xỉ của khách du lịch Trung Quốc diễn ra ở bên ngoài đại lục. Tuy nhiên tháng 4/2023, 62% chi tiêu cho xa xỉ phẩm của người Trung Quốc thực hiện trong nước, tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu của Sandalwood Advisors. Ông Jonathan Siboni - chuyên gia của Luxurynsight đưa ra dự báo: "Từ nay trở đi, thị trường trong nước sẽ chiếm hơn 50% tổng chi tiêu mua sắm của người Trung Quốc".
Sau hơn 2 tháng Trung Quốc chính thức “mở cửa” cho các đoàn khách du lịch đến Việt Nam, thị trường khách quốc gia này đã dần khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, theo nhận định của các đơn vị chuyên đón khách Trung Quốc, việc khôi phục thị trường này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Asia Tourist đánh giá, thời gian qua, công ty và các đối tác vẫn duy trì đều đặn 4 chuyến bay/tuần từ Macao đến Cam Ranh, nhưng lượng khách không ổn định.
“Hiện nay, Trung Quốc đang kích cầu du lịch nội địa nên lượng khách Trung Quốc xuất ngoại chưa nhiều. Sắp tới đây là mùa thi ở Trung Quốc, các gia đình sẽ tập trung cho việc thi cử, hạn chế đi du lịch dài ngày nên việc thu hút khách cũng rất khó khăn”, ông Đường nói. Tương tự, bà Đỗ Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khang Thái Vietnam Travel nhận định sẽ không có chuyện khách Trung Quốc quay trở lại một cách ồ ạt. Dự kiến phải đến tháng 7, lượng khách du lịch từ quốc gia tỷ dân này mới tăng đáng kể.
Theo đại diện các doanh nghiệp du lịch, sau 3 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, thói quen du lịch của người Trung Quốc đã thay đổi. Hình ảnh các điểm đến tại Việt Nam cũng đã mờ nhạt. Chính vì vậy, cần phải có một chiến dịch truyền thông, quảng bá điểm đến; phải có những cuộc xúc tiến du lịch tại Trung Quốc để tiếp cận khách chất lượng, có nhu cầu du lịch chính thống. Các đơn vị lữ hành cũng cần nắm bắt thị hiếu của khách sau dịch, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, phù hợp để khuyến khích du khách chi tiêu, mua sắm...