Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh trạm thu phí trên Quốc lộ 51 hiện nay ngừng hoạt động nhưng các cơ sở vật chất vẫn chưa được tháo dỡ, làm hẹp diện tích mặt đường lưu thông dễ gây ra tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông. Do đó, cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm tháo dỡ các công trình tại các trạm thu phí trên Quốc lộ 51.
19 lần đàm phán chưa thể chấm dứt hợp đồng trước hạn
Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600, trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT, tạm dừng thu phí từ 7 giờ 00 ngày 13/1/20231.
Để giải quyết các tồn tại của dự án sau khi tạm dừng thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) và các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi đàm phán hợp đồng.
Tại cuộc họp lần thứ 19 ngày 17/4 vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện các công việc để bàn giao, tiếp nhận để quản lý và bảo quản công trình dự án nhưng chưa thống nhất được với doanh nghiệp dự án để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và chuyển giao công trình thuộc sở hữu toàn dân.
"Theo quy định Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hợp đồng BOT ký với cơ quan có thẩm quyền, trong thời gian chưa thống nhất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, BVEC vẫn có trách nhiệm theo hợp đồng BOT ký trước pháp luật về công tác quản lý, bảo trì công trình dự án và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Như vậy, theo Bộ Giao thông vận tải, dự án xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900 đến Km73+600 theo hình thức hợp đồng BOT chưa có sự thống nhất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn để tổ chức thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Do vậy, việc cử tri đề nghị tháo dỡ tài sản dự án BOT là trạm thu phí trên Quốc lộ 51 chưa thực hiện được.
Trước mắt Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Khu quản lý đường bộ IV chủ động, tăng cường trong công tác theo dõi quản lý nhằm xử lý kịp thời, giảm ùn tắc giao thông trên tuyến.
Hiện Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cơ quan có thẩm quyền tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư để sớm thống nhất chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn và triển khai thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định.
Sau khi hoàn tất thủ tục sở hữu toàn dân và tiếp nhận tài sản trạm thu phí về cơ quan quản lý đường bộ theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ khẩn trương tổ chức tháo dỡ, thu hồi tài sản là trạm thu phí theo kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Còn nhiều vướng mắc
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0+900 đến Km73+600, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT, được Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam ký với Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại hợp đồng số 21/2009/HĐ.BOT-QL51 ngày 12/11/2009.
Dự án BOT Quốc lộ 51 (đoạn từ Km0+900 đến Km73+600) có chiều dài 72,7 km, đi qua địa phận hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư được duyệt 3.970 tỷ đồng. Dự án đưa vào khai thác từ tháng 4/2013, bảo đảm tiến độ, chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư.
Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư năm 2009, tổng thời gian thu phí dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là khoảng 20 năm, trong đó, thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm, thu phí tạo lợi nhuận 4 năm, tổng cộng đến 28/3/2033.
Điều đáng nói, dự kiến năm 2018 có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chạy song hành Quốc lộ 51, lưu lượng xe của dự án sẽ phân lưu sang cao tốc khoảng 60%. Tuy nhiên, do cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chưa đi vào hoạt động, dẫn đến lưu lượng xe thực tế trên Quốc lộ 51 cao hơn so với phương án tài chính ban đầu, thời gian thu phí của dự án kết thúc sớm hơn so với hợp đồng đã ký.
Như vậy, trong quá trình thực hiện dự án, một số nội dung dự kiến quy định tại hợp đồng dự án thay đổi như: chi phí đầu tư quyết toán, lãi suất tiền vay, mức thu, số thu, lưu lượng phân lưu…, do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị về phí bảo toàn vốn của dự án.
Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát hợp đồng dự án, đàm phán 19 phiên họp với BVEC, nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn để giải quyết các vướng mắc và đàm phán điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận. Tuy nhiên, đến nay, các bên vẫn chưa thống nhất phương án giải quyết một số nội dung.