Sau 15 năm làm việc cho một hãng tin tức, vào năm 2022, Nianan (40 tuổi) cảm thấy cần định hình lại vai trò của mình khi cứ phải đối mặt mức độ căng thẳng cao và liên tục trực điện thoại 24 giờ một ngày.
"Sao con không nghỉ việc luôn đi? Chúng ta sẽ lo cho con về mặt tài chính", bố mẹ đề xuất với cô. Theo đó, cặp phụ huynh sẽ trợ cấp hàng tháng cho Nianan 4.000 nhân dân tệ (570 USD), được trích từ khoản hưu trí hơn 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD) của hai người.
Cứ như vậy, Nianan quyết định nghỉ việc và trở thành một "cô con gái toàn thời gian", theo South China Morning Post.
Người phụ nữ 40 tuổi mô tả vai trò của mình là "một nghề tràn đầy tình yêu thương" và bao gồm nhiều hoạt động đa dạng mỗi ngày.
Vào buổi sáng, cô dành một giờ để khiêu vũ với bố mẹ và cùng họ đi mua sắm. Buổi tối, cô cùng bố nấu ăn. Ngoài ra, cô chịu trách nhiệm về tất cả vấn đề liên quan đến điện tử, làm tài xế và tổ chức 1-2 chuyến du lịch cho gia đình mỗi tháng.
Dù ở bên bố mẹ rất thoải mái, Nianan thừa nhận áp lực lớn nhất của cô vẫn là mong muốn kiếm nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, bố mẹ liên tục trấn an cô: "Nếu con tìm được công việc phù hợp hơn, con có thể làm việc đó. Nếu không muốn tìm việc, chỉ cần ở nhà và dành thời gian cho bố mẹ thôi".
Khái niệm “con gái toàn thời gian” là một giải pháp cho những người trẻ tuổi ở Trung Quốc, những người phải đối mặt với thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh và guồng quay của “996” - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Một số lựa chọn khác cũng trở nên phổ biến như trở thành dân du mục kỹ thuật số hay theo đuổi lối sống FIRE (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm).
Những lựa chọn như vậy cho phép nhiều người trẻ thoát khỏi các ràng buộc trong công việc truyền thống và đạt được sự tự chủ cao hơn trong sự nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ những lối sống hiện đại này.
"Rõ ràng những người như Nianan chỉ là kenlao (sống phụ thuộc vào cha mẹ) nhưng lại nhất quyết gán cho đó là 'con gái toàn thời gian'", một người phản đối.
Một số khác cho biết khái niệm "con cái toàn thời gian" bắt nguồn từ thuật ngữ "những bà nội trợ toàn thời gian" và nhận định: "Nếu ước lượng theo thị trường lao động, người con gái được trả quá nhiều tiền. Hơn nữa, việc các bà nội trợ toàn thời gian nhận lương theo tháng là tương đối hiếm".
Tuy nhiên, cũng có người ủng hộ quyết định của Nianan.
“Nếu cả cha mẹ và con cái họ đều thực sự hạnh phúc, tại sao lại không đón nhận? Trong tương lai, lực lượng lao động trẻ sẽ có giá trị cao hơn. Nếu có người cho đây là 'ăn bám cha mẹ', ỷ lại cha mẹ thì sao không đổi con cái để chăm sóc người già trong gia đình của nhau?”, một người bày tỏ.