Tại Mỹ, người dân đang quay trở lại với những chuyến vi vu, chi tiền đến các khách sạn và các công viên giải trí sau thời gian dài phải gác lại nhu cầu do dịch Covid-19.
Điều này đang mở ra một cuộc cạnh tranh trong mùa lễ hội sắp tới trong chi tiêu của người tiêu dùng, với tình trạng lạm phát của các nhà bán lẻ. Các nhà bán lẻ đang đối mặt với thách thức khác như cố gắng bán bớt hàng tồn kho dư thừa, thu hút người tiêu dùng trong bối cảnh người dùng đang ngày càng quản lý ngân sách chặt chẽ.
Đối với ngành du lịch, đây lại là một năm phục hồi. Delta Air Lines, Mastercard và Airbnb là một trong những công ty đang hưởng lợi. Các công ty khác cũng đã chỉ ra sự thay đổi của người tiêu dùng đang theo hướng trải nghiệm và dịch vụ. Gần đây Mỹ đã báo cáo mức tăng trưởng số người tham dự tại các nhà hát, đấu trường, sân vận động và lễ hội. Starbucks cũng cho biết khách hàng đang thích thú với đồ uống đắt tiền như cà phê hương vị bí ngô.
“Xu hướng chi tiêu dành cho ngành dịch vụ vẫn tiếp tục”, Giám đốc điều hành Mastercard, ông Michael Miebach cho biết trong cuộc họp báo thu nhập hàng quý vào cuối tháng trước. “Chúng tôi nhận thấy chi tiêu cho nhóm ngành hàng không, khách sạn và nhà hàng đang vọt lên trong khi đồ nội thất và thiết bị gia đình đang giảm đi.”
Việc giảm chi tiêu cho hàng hóa đã khiến một số nhà bán lẻ cảnh báo về thời gian khó khăn hơn ở phía trước. Amazon vào cuối tháng 10 đã gây bất ngờ cho các nhà đầu tư với dự báo tăng trưởng yếu hơn vào cuối năm do thương mại điện tử chậm lại. Công ty cũng đang thông báo về việc dừng tuyển dụng nhân sự. Hãng vận chuyển khổng lồ FedEx đã bỏ lỡ mục tiêu doanh thu trong báo cáo tháng 9 của họ. Các nhà bán lẻ như Walmart và Target trong mùa hè đã khiến các nhà đầu tư thất vọng khi họ công bố lượng hàng tồn kho dư thừa vẫn còn quá lớn.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: FT
Du lịch lên ngôi
Chi tiêu cho du lịch đã tăng vọt trong thời gian gần đây một phần do các chính sách văn phòng linh hoạt cho phép người Mỹ đi du lịch nhiều hơn. Việc đặt vé đi du lịch châu Âu cũng trở thành mùa lễ hội truyền thống do đồng USD mạnh hơn.
Theo Mastercard Spend Pulse khi đo lường doanh số bán lẻ tại cửa hàng và bán lẻ trực tuyến, tính đến tháng 9, doanh số bán vé máy bay đã tăng hơn 56% so với một năm trước và tăng 10,9% so với cùng kì năm 2019. Doanh số bán phòng nghỉ tăng hơn 38% so với một năm trước và tăng 42% so với tháng 9 năm 2019.
“Tôi nghĩ rằng được đi nghỉ hàng năm là một quyền lợi đối với mọi người, sau khi trải qua thời gian dài giãn cách, mọi người đang tận hưởng và đi du lịch nhiều hơn.” Giám đốc điều hành Hawaiian Airlines, ông Peter Ingram cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.
Sự thèm muốn đi du lịch vẫn tồn tại mặc dù giá vé máy bay tăng cao do thiếu phi công và sự chậm trễ giao hàng của máy bay. Các giám đốc điều hành tháng trước cũng cho biết nhiều người thậm chí sẵn sàng trả tiền để có chỗ ngồi rộng rãi hơn. Giá vé máy bay đã tăng 43% trong năm theo kết quả lạm phát mới nhất của Mỹ.
Bà Anna Zhou, một nhà kinh tế học tại Viện Bank of America, cho biết: “Nhu cầu đi du lịch vẫn rất bền bỉ. Ngay cả sau Ngày Quốc tế Lao động hàng năm, du lịch sẽ chững lại nhưng năm nay lại không như vậy.”
Hiện tại, các hãng hàng không đang gạt đi những lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế.
“Mặc dù có nhiều ồn ào liên quan đến việc liệu chúng ta có đang tiến vào một cuộc suy thoái hay không nhưng chúng tôi chưa thấy bất kỳ tác động đáng chú ý nào đến xu hướng đặt phòng và doanh thu của chúng tôi”, CEO Bob Jordan của Southwest cho biết.
Các hãng hàng không và khách sạn vẫn chưa thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Nhưng nếu một cuộc suy thoái xảy ra, điều đó có thể gây nguy hiểm cho tất cả chi tiêu của người tiêu dùng, khiến nhóm người có thu nhập cao phải suy nghĩ lại về những chuyến đi lớn.
Ông Tim Quinlan, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo đã dự đoán doanh thu bán lẻ trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng 2% so với hàng năm sau khi được điều chỉnh theo lạm phát. Con số này so với mức ước tính 8,1% năm ngoái và 10,4% hàng năm vào năm 2020.
Còn ông Jack Kleinhenz, nhà kinh tế trưởng của nhóm lại cho rằng du lịch giờ đây là ưu tiên chi tiêu của người tiêu dùng hơn là các mặt hàng bán lẻ. Tuy nhiên không hoàn toàn là tin xấu cho các nhà bán lẻ bởi khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho đi lại và vé máy bay, đồ ăn hay những món quà cũng là những món đồ được mang theo nhiều hơn, đặc biệt là trang phục.