Trong thông báo mới nhất,Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (mã chứng khoán: DCL) đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc dừng triển khai đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Lý do đưa ra bởi thị trường chứng khoán không thuận lợi và ảnh hưởng từ một số nguyên nhân khách quan khác.
Trước đó, DCL dự kiến phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 3,52% số lượng cổ phần đang lưu hành. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp tới gần 78% so với thị giá cổ phiếu hiện tại trên thị trường.
Song tới nay, quyết định dừng phát hành ESOP đã được đưa ra sau khi Dược phẩm Cửu Long vừa nhận được bản án phúc thẩm số 196/2023/HS-PT ngày 27/03/2023 từ Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, bác kháng cáo của DCL, buộc Công ty bồi thường số tiền hơn 58 tỷ đồng.
Theo đó, về trách nhiệm bồi thường dân sự, buộc DCL bồi thường cho Bộ Y tế số tiền hơn 58 tỷ đồng.
Về các quan hệ dân sự, kinh tế khác, DCL có quyền yêu cầu các bị cáo và những người thừa kế của bị cáo, các cá nhân, pháp nhân khác liên quan hoàn trả số tiền mà DCL đã bồi thường cho Bộ Y tế theo quy định pháp luật. Nếu có tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu giải quyết bằng vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.
Trên thị trường, cổ phiếu DCL chốt phiên 13/4 đạt 22.600 đồng/cp.
Vi phạm gây thất thoát 3,8 triệu USD tại DCL
Trước đó, cuối năm 2021, cựu tổng giám đốc Dược Cửu Long, ông Lương Văn Hóa cùng ông Nguyễn Thanh Tòng, cựu phó tổng giám đốc và Nguyễn Văn Thanh Hải, cựu kế toán trưởng Dược Cửu Long cũng đã bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đây là sự việc liên quan đến hợp đồng sản xuất thuốc Oseltamivir của công ty với Bộ Y tế, gây thất thoát 3,8 triệu USD.
DCL trong phát ngôn sau đó nhấn mạnh nguyên lãnh đạo Công ty bị bắt giữ là các vấn đề pháp lý của giai đoạn cũ, không liên quan đến hoạt động hiện tại. Vi phạm đã diễn ra từ giai đoạn 2005-2007, thời điểm doanh nghiệp vừa cổ phần hóa và chưa niêm yết.
Đến cuối năm 2008, khi cổ phiếu DCL mới niêm yết chính thức trên HoSE, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty nhỏ hơn mức lợi nhuận sau thuế phát sinh năm 2008 (giai đoạn sau khi xảy ra sự kiện pháp lý nói trên). Như vậy, các khoản lợi nhuận này đã được phân phối từ trước khi cổ đông Nhà nước là SCIC hoàn tất thoái vốn.
Trong phiên tòa sơ thẩm, tòa tuyên buộc Dược phẩm Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế 3,8 triệu USD. Đối trừ số tiền các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả thì Dược Cửu Long còn phải bồi thường hơn 58 tỷ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Dược Cửu Long đã kháng cáo đề nghị buộc các bị cáo và người liên quan liên đới bồi thường, hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 3,8 triệu USD cho Bộ Y tế. Tuy nhiên tòa phúc thẩm đã không chấp nhận đơn kháng cáo của Dược Cửu Long.